Có một số bộ phận trên cơ thể bé sơ sinh mà bố mẹ nên lưu ý hạn chế chạm vào để tránh tổn thương trẻ.
Trước trẻ sơ sinh, nhiều người luôn muốn chạm vào và ôm hôn thật nhiều. Tuy nhiên, sự nồng nhiệt yêu thương của ông bà, bố mẹ, người thân… lại có thể khiến trẻ sơ sinh bị tổn thương bởi cơ thể của trẻ vẫn còn rất yếu ớt.
Dưới đây là một số điều cận hạn chế làm đối với trẻ sơ sinh:
Không giật mạnh cuống rốn của trẻ
Trước và sau khi sinh ra, cuống rốn là bộ phận quan trọng đối với trẻ. Khi trẻ mới chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn và thắt cuống rốn. Khoảng 10 ngày sau, cuống rốn sẽ có màu đen, khô và rụng.
Nhiều người bởi nóng vội không thể đợi cuống rốn của con rụng nên đã dùng tay giật mạnh. Điều này giống như một vết sẹo chưa lành bị ngoại lực tác động dẫn đến viêm nhiễm. Hành động này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ.
Má của trẻ
Làn da trẻ con rất nhạy cảm và tinh tế, người lớn lại có lòng bàn tay thô ráp và thậm chí là móng tay rất sắc, việc chạm tay vào mặt trẻ sẽ dễ khiến da bị tổn thương. Không chỉ vậy, tay chúng ta thường có rất nhiều vi khuẩn và nó có thể gây hại cho trẻ.
Thóp đỉnh đầu
Hộp sọ trẻ sơ sinh vừa mới chào đời đều chưa phát triển hoàn chỉnh. Thời điểm ban đầu này, hộp sọ mềm và dễ vỡ nên cha mẹ tốt nhất không nên chạm nhiều vào đầu trẻ sơ sinh để không ảnh hưởng đến sọ não.
Tai của trẻ
Có rất nhiều mẹ, nhất là những người lần đầu làm mẹ, mỗi khi thấy tai con có ráy tai là lập tức lấy ra cho sạch. Dù người lớn cảm thấy rất thoải mái khi được lấy ráy tai nhưng các bé sơ sinh thì không giống như vậy.
Việc thường xuyên lấy ráy tai cho trẻ sẽ khiến tai trẻ bị nhiễm trùng. Thực ra, ráy tai trong tai trẻ có thể tự rơi ra ngoài, mẹ chỉ cần lấy tăm bông chấm vào dầu ô liu rồi lau khẽ lên vùng tai cho con sau khi tắm là được.