Xuân Bắc xác nhận việc đã rút hồ sơ đồng thời khẳng định bản thân sẽ tiếp tục làm những tác phẩm nghệ thuật bằng sức lực của mình.
Tối 24/4, Xuân Bắc đăng tải một clip chia sẻ lý do xin rút hồ sơ xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trên trang cá nhân. Đây là lần lên tiếng chính thức của “Nam Tào” về quyết định khiến nhiều khán giả ngạc nhiên trước đó.
Trong đoạn video, Xuân Bắc cho biết: “Nói tóm lại là mình rút thôi. Đơn giản có vậy. Nhưng có một điều phức tạp mà hoàn toàn phụ thuộc vào cô chú, anh chị và các bạn. Đó là hãy tiếp tục ủng hộ tôi cũng như các đồng nghiệp với những sản phẩm nghệ thuật sắp tới”.
“Cá nhân tôi sẽ tiếp tục làm ra những tác phẩm nghệ thuật bằng hết sức lực của mình, để đóng góp cho cuộc đời tiếng cười, sự trăn trở hay suy nghĩ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn mọi người”, Xuân Bắc nhấn mạnh.
Xuân Bắc được phong tặng NSƯT năm 2016. Ảnh: Quỳnh Trang.
Trước đó, Nhà hát kịch Việt Nam đã gửi danh sách đề xuất phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Nhà hát năm nay lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bốn nghệ sĩ được đề xuất là NSƯT Trung Anh, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Việt Thắng và NSƯT Lê Sơn.
NSND Anh Tú – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết anh là Chủ tịch hội đồng cấp cơ sở xét tặng danh hiệu NSND. Khi Xuân Bắc làm hồ sơ, hội đồng rất động viên. Các nghệ sĩ nhà hát mong muốn “Nam Tào” được danh hiệu NSND.
“Hồ sơ của Xuân Bắc thiếu về số năm làm nghề. Theo quy định xét tặng NSND, nghệ sĩ phải có 20 năm trong nghề, Xuân Bắc thiếu một chút. Nhưng nhà hát vẫn hết sức ủng hộ, hội đồng cơ sở vẫn nhất trí cao. Hồ sơ của Xuân Bắc đã qua hội đồng cơ sở và được Nhà hát gửi lên hội đồng cấp Bộ”, Giám đốc Nhà hát Kịch nói.
Thế nhưng, NSND Anh Tú cho biết khi tổ thư ký cấp Bộ làm việc, điều kiện đầu tiên là các hồ sơ phải đủ yếu tố về thời gian công tác và huy chương.
Sau đó, Xuân Bắc có đơn gửi nhà hát xin rút hồ sơ của mình. Nhà hát đã báo cáo với Hội đồng cấp Bộ và kèm theo đơn của NSƯT Xuân Bắc.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức tám đợt xét duyệt vào các năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2016.
Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Theo Zing