“Mẹ đi công tác xa nhớ giữ sức khỏe, mẹ nhanh về với con, con yêu mẹ”. Đó là những dòng chữ nắn nót của cháu bé 6 tuổi gửi mẹ đi “công tác xa” như lời ông bà vẫn thường hay nói với cháu. Thực tế, cháu bé đâu biết được sẽ còn phải rất lâu, rất lâu nữa mẹ mới về.
Bất kể những ai vi phạm pháp luật hình sự đều sẽ phải nhận những hình phạt thích đáng, nhẹ thì bị cải tạo không giam giữ, chấp hành án phạt tù có thời hạn; nặng thì bị tù chung thân hoặc trả giá bằng cả tính mạng.
Sẽ không ai tiếc thương cho những kẻ phạm tội. Bởi chính bản thân họ đã không trân quý mạng sống của con người nên đang tâm tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác; không biết tôn trọng sức lao động của công dân nên dẫn tới hành vi trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vì hám lời nên phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy, gieo rắc “cái chết trắng” cho nhân loại… Đổi ngược lại, những kẻ phạm pháp sẽ phải chịu một hình phạt thích đáng, tương xứng với hành vi nguy hiểm mà mình gây ra – Đó là luật nhân quả.
Chúng ta không bàn cãi nhiều về điều đó song những ai thường xuyên tiếp xúc với chốn pháp đình mới biết được câu chuyện ngoài lề: Mẹ khóc cạn nước mắt vì con tù tội, con cái bơ vơ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố/mẹ.
Điều khiến tôi ám ảnh nhất chính là sự mong ngóng ngày bố mẹ trở về của những đứa trẻ. Đa phần người thân đều nói dối các cháu rằng “bố/mẹ đi công tác”. Có thể đây chỉ là giải pháp tạm thời, sau này khi các cháu lớn lên sẽ hiểu…
Có những đứa trẻ đã vật vã, vò đầu bứt tai vì nhớ mẹ. Chúng liên tục hỏi ông bà khi nào bố/mẹ chúng “đi công tác” về. Bản thân là ông bà, một mặt vẫn giải thích, dỗ dành hoặc nói sang chuyện khác cho cháu vơi đi nỗi nhớ bố/mẹ; có người thì không kiềm chế được bản thân, chạy ra ngoài ôm mặt khóc trước thực tế phũ phàng là bố/mẹ chúng đang phải chịu cảnh tù đầy.
Có một nữ bị cáo được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng, vào công tác tại cơ quan nhà nước, thu nhập ổn định. Cô ta phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị tòa tuyên án 16 năm tù giam. Vì đâu nên nỗi khiến người như vậy vẫn nhúng chàm?. Lý do bị cáo đưa ra khiến tất thảy mọi người có mặt trong phòng xử án sững sờ “bị cáo cần tiền để chữa bệnh vô sinh”.
Ngày ra tòa, được người thân cho biết, con gái nhỏ 6 tuổi có gửi cho bị cáo 1 lá thư, bên trong là những dòng chữ nắn nót “mẹ đi công tác xa nhớ giữ sức khỏe, mẹ nhanh về với con, con yêu mẹ”. Cháu bé không biết được rằng, chuyến “công tác” của mẹ sẽ phải rất lâu, rất lâu, mẹ mới về với cháu.
Bị cáo nào phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì sớm được trở về với con, với người thân. Có người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ phải chấp hành án tù lâu hơn, thậm chí là suốt đời hoặc bị xử tội chết. Do vậy, có những đứa trẻ mong ngóng ngày bố/mẹ “công tác về” trong vô vọng.
Pháp luật luôn nghiêm minh, song với mỗi bản án, tòa xử vẫn có tình có lý. Nhưng “vô phúc đáo tụng đình” là câu mà người xưa vẫn nói. Vì vậy, trước khi làm gì cũng mong rằng mỗi một người nên kiềm chế bản thân, suy nghĩ thấu đáo đến những hậu quả mình và gia đình phải gánh chịu để có những hành xử đúng mực, không phải hối tiếc.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.