Giới chức Indonesia đã xác định được danh tính của 12 nạn nhân vụ chuyến bay số hiệu SJ -182 gặp nạn hôm 9/1.
Thông báo của Cơ quan tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (Basarnas) nêu rõ, cơ quan này đã tìm kiếm và hoàn tất bàn giao 239 phần thi thể nạn nhân, 40 mảnh vỡ nhỏ và 33 mảnh vỡ lớn.
Trong khi đó, Cơ quan nhận dạng nạn nhân thảm họa của Cảnh sát Quốc gia Indonesia (DVI) cũng xác định thêm danh tính của 6 nạn nhân, nâng tổng số nạn nhân của chiếc máy bay gặp nạn số hiệu SJ – 182 được xác định lên 12 người. Trong số 12 nạn nhân đã được xác định danh tính có 1 nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi của chuyến bay SJ-182, số còn lại là hành khách có độ tuổi từ 23 đến 51 tuổi. Việc xác định danh tính được cơ quan chức năng Indonesia thực hiện theo phương pháp y học hiện đại nhất hiện nay.
Người đứng đầu Basarnas, ông Bagus Puruhito khẳng định, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sẽ được thực hiện cho đến khi xác định được tất cả các nạn nhân. Đây là ưu tiên hàng đầu của Basarnas, với mục đích cuối cùng là tìm thấy và xác định chính xác và đầy đủ số nạn nhân của vụ tai nạn. Ông Bagus Puruhito cũng cho biết, việc tìm kiếm các bộ phận máy bay là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban an toàn giao thông vận tải Quốc gia (KNKT), giúp cho quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn máy bay nhanh chóng và chính xác hơn.
Cho đến nay, chiếc hộp đen thứ nhất của máy bay SJ-182 đã được trục vớt và tải dữ liệu. Tuy nhiên, chiếc hộp đen thứ hai – thiết bị ghi âm buồng lái (CVR), vẫn chưa được tìm thấy. Do vậy, các lược lượng tìm kiếm vẫn đang tập tìm thiết bị này nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra xác định nguyên nhân tai nạn máy bay. Hiện khu vực tìm kiếm được thu hẹp xung quanh nơi phát hiện chiếc hộp đen thứ nhất của máy bay. Đây là khu vực có độ sâu khoảng 20m và được đánh giá là thuận lợi cho quá trình dò tìm tín hiệu của rada.
Trước đó, chiều 9/1, máy bay Boeing 737-500 mang số đăng ký PK CLC của hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn khi chở 50 hành khách và 12 thành viên của phi hành đoàn, từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô Jakarta tới TP Pontianak, thủ phủ của tỉnh West Kalimantan.
Theo bộ Giao thông vận tải Indonesia, máy bay này mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 14h40 phút ngày 9/1, tức là chỉ bốn phút sau khi cất cánh. Trước đó, chuyến bay mang số hiệu SJ-182 đã bị hoãn một giờ do thời tiết xấu. Máy bay biến mất khi cách sân bay Soekarno-Hatta hơn 20 km về phía bắc, trong lúc nâng độ cao lên gần 4 km sau khi vượt qua độ cao hơn 3 km.
Lịch sử ngành hàng không Indonesia từng chứng kiến một số vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Tháng 10/2018, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống biển Java chỉ ít phút sau khi cất cánh từ Jakarta. Toàn bộ 189 người trên máy bay đã thiệt mạng. Đây là thảm họa hàng không kinh hoàng nhất của Indonesia kể từ năm 1997, khi một máy bay của hãng hàng không quốc gia Garuda rơi xuống đảo Sumatra cướp đi tính mạng của 234 người.