Luật sư, chuyên gia giáo dục chung quan điểm, vụ tàu siêu tốc trật khỏi đường ray khiến 3 học sinh thương vong có trách nhiệm của nhà trường cũng như người đứng đầu.
Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), khiến 1 học sinh trường THPT Đông Anh (Hà Nội) tử vong và 2 học sinh khác bị thương, do toa tàu lượn trật khỏi đường ray rơi xuống. Cùng ngày (14/1), 1 học sinh lớp 4 trường tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) trong quá trình tham gia đợt ngoại khóa của trường tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), đã rơi xuống vùng biển nhân tạo rồi tử vong.
Hằng năm, thời điểm sau khi kết thúc học kỳ, các trường từ bậc tiểu học đến THPT đều tổ chức cho học sinh đi hoạt động ngoại khóa, thường chọn các điểm du lịch ngoài địa phương. Đây là thời điểm mà những tai nạn ngoài ý muốn từ các chuyến đi trải nghiệm ngoại khóa xảy ra nhiều nhất. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, một học sinh lớp 12 ở tỉnh Sóc Trăng tử nạn khi đi tham quan ngoại khóa ở TP.Đà Lạt.
Không ít phụ huynh thừa nhận, mặc dù rất lo lắng cho con khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhưng lại không thể không “gật đầu”, bởi những hoạt động đó không thể thiếu trong chương trình học. Vậy, nhìn từ những sự cố thương tâm trên, cần có những lưu ý gì để mỗi chuyến đi của nhà trường không trở thành những “mê cung” tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm?
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) – đánh giá: “Những sự cố vừa qua xảy ra cũng có lỗi của các khu du lịch khi tổ chức các dịch vụ, trò chơi nhưng lại không bảo trì, bảo dưỡng cẩn thận, dẫn đến sai sót. Bản thân các nhà trường có nhìn bằng mắt thường cũng chưa chắc đã đánh giá được, phải có những quy trình kiểm định, đánh giá thường xuyên bằng máy móc, kỹ thuật…
Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mà còn ở phía công ty du lịch, bởi khi đón khách tham quan, công ty phải cam kết an toàn trong hợp đồng và đặc biệt, trách nhiệm nằm ở chính địa điểm khu vui chơi, khi đã tắc trách, không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng thiết bị”.
Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) chỉ ra: “Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.
Vì vậy, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức, quản lý học sinh của mình tham quan, vui chơi bị tai nạn tử vong hoặc bị thương tích. Việc tổ chức tham quan phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời, tăng cường quản lý học sinh trong thời gian tổ chức các hoạt động để không xảy ra những trường hợp tương tự”.
“Để xảy ra những sự cố đáng tiếc trên, do phía nhà trường chưa trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi đi; chưa có sự kiểm tra, đặc biệt đối với các trò chơi có tính nguy hiểm. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng là nhà trường phải cử người đi tiền trạm địa điểm, khu vui chơi, chỗ nào có nguy cơ nguy hiểm cần được vẽ sơ đồ cảnh báo trước cho học sinh, thì lại chưa thực hiện. Vì chưa tròn trách nhiệm trước khi đi nên sự cố mới xảy ra” – theo vị luật sư, đó cũng chính là những việc mà mỗi nhà trường cần phải lưu tâm để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Không đảm bảo được thì không tổ chức
Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý giáo dục, bà Phạm Thị Lệ Hằng nhìn nhận: “Hoạt động ngoại khóa là nội dung nằm trong chương trình của bộ GD&ĐT. Hằng năm, các nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch, phối hợp với phụ huynh, sau đó, phòng GD&ĐT sẽ xem xét về kinh phí, thời gian, địa điểm, phối hợp với đơn vị hỗ trợ nào… và lưu ý đến số lượng học sinh tham gia. Mỗi trường thường có hàng nghìn học sinh nhưng không nên cho đi quá đông mà phải chia nhỏ nhóm học sinh, có thể từ 300-500 em.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phải cân nhắc môi trường và địa hình tham quan, đối với những địa hình đồi núi, sông suối, ao hồ,… thường rất nguy hiểm, mà nếu số lượng học sinh đông thì nhà trường sẽ càng khó kiểm soát.
Khi đi tham quan, mỗi lớp thường có tối thiểu 2 giáo viên giám sát, đồng thời, mời từ 3-5 đại diện hội phụ huynh của lớp, của trường đi cùng. Ngoài ra, sẽ có thêm 2-3 hướng dẫn viên phụ trách một lớp học, càng nhiều người hỗ trợ thì càng đảm bảo giám sát tốt các hoạt động của học sinh. Ở mỗi lớp, chúng tôi cũng chia học sinh thành các tổ, nhóm tự quản để các thành viên quan tâm nhau”.
Theo bà Hằng, mỗi đơn vị cần xem xét lại quy trình giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh, những chuyến đi dã ngoại cần phải được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn, phân công và quy nhiệm vụ đối với từng giáo viên đi theo giám sát.
“Các Sở, phòng cũng cần yêu cầu các trường tập huấn kỹ năng cứu hộ, xử lý tình huống cho giáo viên trước khi đi ngoại khóa. Cụ thể, hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, nên tổ chức ở những địa điểm nào, phân công giáo viên ra sao. Nếu trường nào cảm thấy không bảo đảm an toàn được thì không tổ chức, đã tổ chức thì phải lên kế hoạch và có trách nhiệm, không phải báo cáo vài dòng cho xong.
Trước mỗi chuyến đi, nhà trường, giáo viên đã phải phổ biến, quán triệt các quy định, cho học sinh, lưu ý n
ơi nào không được đến gần hoặc tham gia, như những khu vực địa hình nguy hiểm hay các trò chơi mạo hiểm… Và bản thân mỗi học sinh cũng cần ý thức rằng, không nên tham gia các trò chơi nguy hiểm” – vị Trưởng phòng GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên tổ chức tuần lễ trải nghiệm cho học sinh trong mỗi học kỳ, với những hành trình nhằm giáo dục cho học sinh về lịch sử, văn hóa dân tộc…
Để tổ chức cho hàng chục lớp tham gia trải nghiệm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và những người tham gia; có bộ phận y tế với thiết bị cần thiết nhất. Trong suốt hành trình, giáo viên và ban giám hiệu vẫn là người thức sau cùng, điểm danh từng phòng để nhắc học sinh ngủ đúng giờ…
Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) – cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, yếu tố an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Trước tiên, phải chọn lựa những địa điểm an toàn và đích thân ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh phải đi tiền trạm. Nếu thấy an toàn cả về địa điểm, thực phẩm và phù hợp với lứa tuổi, với mục tiêu mà chuyến đi hướng tới thì mới quyết định”.