Để một học sinh nghi tự tử do bất bình với cách xử phạt của giáo viên và nhà trường, các chuyên gia tâm lý giáo dục đều cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về giáo viên và nhà trường.
Giáo viên “sai chồng sai”
Ngày 6/12, sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm (Hiệu trưởng) và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trong thời hạn 15 ngày (kể từ Thứ Hai 7/12) để xác minh thông tin liên quan đến việc nữ sinh NT.N.Y. (học lớp 10A4) nghi tự tử bất thành vì không đồng tình với cách xử phạt của giáo viên và nhà trường.
Cụ thể, trong báo cáo nêu rõ, công tác quản lý, tổ chức của trường xuất hiện nhiều sai phạm như: Tổ chức học, dạy thêm không đúng với quy định của ngành (dạy học thêm đại trà); Có hình thức phê bình, kỷ luật không đúng với quy định của ngành (phê bình học sinh trước cờ); Hình thức xử lý học sinh chưa phù hợp, hiệu quả gây bức xúc với gia đình học sinh và bản thân học sinh.
Trong thời gian này, sở GD&ĐT tỉnh giao cho Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Cường chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của nhà trường và chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 để có hình thức xử lý phù hợp.
Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, GS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định, có ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này.
“Đầu tiên, là do nhà trường thiếu dân chủ, không tôn trọng học trò, không đặt những mong muốn của các em lên trên. Nguyên tắc của giáo dục phải xuất phát từ nhu cầu của người học thì mới phát triển được chứ không thể theo kiểu nhà trường áp đặt học sinh.
Thứ hai, bộ GD&ĐT cũng có Thông tư về việc khen thưởng học sinh. Cụ thể, thầy cô giáo không được cảnh cáo, phê bình học sinh trước lớp hay trước trường. Đây là thông tin đã được phổ biến, tuy nhiên nếu các thầy cô tại đây không biết thì thật lạ.
Việc học thêm là thỏa thuận giữa nhà trường với học sinh chứ không thể ép buộc các em. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa quyền lực của thầy cô và quyền của học sinh. Nhà trường cũng cần tôn trọng quyền của các em chứ không chỉ nhà trường mới có quyền.
Nguyên nhân cuối cùng là vì các xung đột, mâu thuẫn chưa được giải quyết triệt để. “Trong câu chuyện này, việc dùng nhiều hình thức nhằm bạo lực tinh thần khiến cho học sinh có những suy nghĩ, hành động tiêu cực thì lỗi vẫn thuộc về phía thầy cô giáo và nhà trường”, GS. Tùng Lâm nói. Ông cho rằng, giáo viên chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và rút kinh nghiệm về sai sót này.
Trước nghi vấn giáo viên chủ nhiệm của lớp em Y. đăng tải câu chuyện lên mạng với từ ngữ, nội dung “bóng gió”, ông Lâm cho rằng, cô giáo đã “sai càng thêm sai”. Nguyên nhân cũng bởi giáo viên chưa tôn trọng học trò của mình và không nhìn ra thiếu sót của bản thân. Thầy Lâm quan điểm, khi xảy ra việc mất an toàn trong nhà trường, chính giáo viên chủ nhiệm phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Lỗ hổng từ ứng xử của người lớn
Thông tin thêm với PV, PGS.TS Đỗ Thị Minh Thúy, nguyên Viện trưởng viện Văn hóa (đại học Văn hóa Hà Nội) nhận định: “Có thể thấy hiện nay, các em học sinh có cơ hội tiếp xúc với mạng xã hội và những thông tin khác sớm, từ đó hình thành nên quyền cá nân của bản thân”.
“Nếu là trước kia, ở thời đại của tôi, bị bố mẹ đánh mắng là chuyện thường thì ở thời hiện đại, chuyện đánh mắng con là chuyện không nên làm. Đặc biệt, không được xúc phạm đến các em, kể cả là thân thể hay lời nói”, bà Thúy nhấn mạnh.
Vị này cũng cho hay, đây không phải vấn đề mới, nhưng vẫn luôn tồn tại và trở thành nổi cộm. Điều đó đòi hỏi thầy cô phải tiếp xúc với học sinh như thế nào để các em hiểu và hành xử đúng đắn. Bên cạnh đó, việc tôn trọng học sinh hơn cũng là cách để các em không thấy tiêu cực mà hành động dại dột.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Minh Thúy, việc uốn nắn các em từ trường học là việc làm vô cùng quan trọng, và chính những người làm giáo dục cũng cần thay đổi tư duy.
Đồng thời, việc trẻ em nhận thức được quyền của bản thân là điều rất đáng mừng. “Có chăng người lớn chúng ta đang thiếu đi bước tiếp cận, định hướng cho con em mình. Người lớn cần nói cho các em hiểu, quyền và nghĩa vụ của mình là gì. Như vậy mới là cách giáo dục đúng và cần. Vấn đề mấu chốt là giáo viên cần gắn bó mật thiết với học sinh hơn. Để các em hiểu mình là người định hướng, giúp các em nhận định được tính đúng đắn của vấn đề”, bà Thúy chia sẻ thêm.
Cũng theo bà Thúy, giáo viên phải tiếp cận, đôi khi còn phải học cùng với học sinh, để gợi mở cho các em thế nào là đúng, thế nào là sai. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng cần có mức độ về quyền và cách ứng xử với từng học sinh. Tránh việc vì ức chế tâm lý chuyện gia đình hay đồng nghiệp mà vô tình “trút giận” lên đầu học sinh.