Người vợ sau nhiều năm phải nhặt tất bẩn của chồng ở dưới gậm giường, trên sofa, trong toilet… đến ngày tức nước vỡ bờ đòi ly hôn.
Tâm sự của độc giả, có đoạn:
“Tuần trước, chị họ của tôi nộp đơn ly dị. Lý do gây bất ngờ cho nhiều người: không phải vì ngoại tình, cũng không phải bạo lực gia đình hay do mẹ chồng. Tất cả chỉ vì một đôi tất.
Chị họ của tôi vốn sạch sẽ, không chịu được sự bừa bộn trong nhà. Tuy nhiên, chị thường xuyên phải đi nhặt tất bẩn của chồng ở khắp nơi: sofa, dưới gầm giường, trong toilet… Cách đây ít ngày, trong lúc dọn dẹp dưới ghế, chị lại thấy một đôi tất bẩn của chồng vứt ở đó. Nhìn thấy đôi tất, chị họ òa khóc, chị cứ nằm thế mà khóc mãi. Ngày hôm đó, chị ấy quyết định ly hôn.
Nhiều người nói rằng chị ấy quá nhạy cảm, chuyện 'đôi tất thối ở gầm giường' chỉ là vặt vãnh, có gì mà không thể bỏ qua được. Tuy nhiên, chị họ rất kiên quyết, và theo lời chị ấy nói: “Tôi đã chịu đựng suốt 23 năm, không chịu đựng thêm được nữa…”.
Bài chia sẻ mà Tống Vân đưa ra gây nhiều tranh cãi, bình luận. Không ít ý kiến nhận định rằng hôn nhân tan vỡ không vì những điều to tát, mà trái lại, có thể bắt nguồn từ những chuyện nhỏ nhặt tích tụ.
Phần lớn mọi người nghĩ rằng sự phản bội là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ly hôn. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Tòa án Nhân dân Chiết Giang, khảo sát khoảng 50.000 cặp ly hôn cho thấy, hôn nhân đổ vỡ vì ngoại tình chiếm 2,51%, trong khi nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ly hôn (34,21%) là vì những chuyện lặt vặt.
Những vụn vặt đời thường ‘bào mòn’ tình yêu
Trong cuốn tiểu thuyết “Nhất địa kê mao” của nhà văn Lưu Chấn Vân, tác giả nói về sự tan vỡ của vợ chồng đôi trẻ Tiểu Lâm. Trước khi kết hôn, Tiểu Lâm luôn cảm thấy vợ rất xinh đẹp, tâm hồn thi vị. Tuy nhiên, cưới nhau về, cuộc sống đời thường với mắm muối, dầu hào, củ hành củ tỏi… đã khiến cô vợ trở nên luộm thuộm, bất cần. Dưới con mắt của Tiểu Lâm, vợ ngày càng tệ hại.
Tác giả cuốn “Scare” cũng từng nhận định, cuộc sống càng có nhiều những thứ vụn vặt, con người càng khó có thể nhẫn nại và yêu thương. Vì năng lực chú ý của mỗi người đều có giới hạn, thế nên, khi dồn quá nhiều tập trung vào những điều vụn vặt, bạn sẽ không thể nào chú ý vào những điều thực sự quan trọng.
Trong một thảo luận với tiêu đề: “Bạn có hối hận khi kết hôn không?”, một độc giả giấu tên đã gửi trả lời “Tôi vô cùng hối tiếc”. Người này nói, trước đám cưới, cả hai đã có một nền tảng tình cảm tuyệt vời, một tình yêu đích thực. Nhưng sau vài năm kết hôn, cô phát hiện ra rằng cuộc sống của họ chỉ toàn là dầu ăn, muối mắm, và cô thấy mình khác với chồng. Mỗi ngày, cô mất dần kiên nhẫn với tình yêu, hôn nhân. Cô nói: “Giờ tôi còn chẳng buồn nhìn anh ấy, đừng có nói đến yêu hay không”.
So với những điều lớn lao, những thứ tầm thường tưởng như không đáng kể. Tuy nhiên, nó âm thầm xâm chiếm cuộc sống của mỗi người và dần tước quyền kiểm soát của họ. Chúng bào mòn sự kiên nhẫn của mỗi người, phóng đại nỗi thất vọng đằng sau sự không hài lòng, và khiến cho hôn nhân dần trở nên không còn tốt đẹp, dù người trong cuộc có thể không cảm nhận thấy.
Hôn nhân càng ổn định, càng dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tầm thường
Nhiều người bước vào hôn nhân với sự tin tưởng rằng họ đã hoàn toàn hiểu nhau, không gì có thể lay chuyển mối quan hệ vợ chồng. Thậm chí, họ có suy nghĩ rằng mối quan hệ là vững chãi, bất kể mình công kích đối phương thế nào đi nữa, nửa kia vẫn cứ gắn bó với họ và không bao giờ cắt đứt quan hệ. Thế nên, khi những chuyện lặt vặt nổ ra, điều đầu tiên người vợ và người chồng nghĩ đến không phải là làm thế nào để trao đổi, giải quyết vấn đề, mà thay vào đó, là phàn nàn, tức giận.
Càng tập trung nhìn những chuyện lặt vặt, càng không cảm nhận được tình yêu
Có một câu chuyện từng được đăng trên nhiều mặt báo: Một cặp vợ chồng lấy nhau nhiều năm, hai người đều cảm thấy mệt mỏi với những chuyện lặt vặt mỗi ngày, tình cảm bước vào giai đoạn cạn kiệt, sự ngọt ngào ban đầu gần như đã mất đi. Cuối cùng, người chồng đề nghị ly dị, anh đã phải lòng một người đàn bà khác trẻ trung hơn. Lý do anh đưa ra là anh cảm thấy vợ cũ kỹ, nhàm chán, anh khó chịu cả việc cô hay mặc một chiếc váy đỏ và hát khi làm việc nhà.
Người vợ không đồng ý, cô đề nghị người chồng hãy ở bên cô thêm một tháng. Trong tháng đó, họ sẽ sống bên nhau như một cặp đang yêu. Ban đầu, người chồng không đồng ý, trái tim anh đã thuộc về người khác. Tuy nhiên, sau đó anh chấp nhận. Một tháng trôi qua, tương tác giữa hai người yêu nhau đã giúp anh tìm thấy những cảm xúc giống như thủa ban đầu, thậm chí anh muốn ở bên vợ mỗi lúc có thời gian. Người chồng nhận ra rằng người anh yêu thực sự là vợ, nhưng những chuyện lặt vặt đời thường đã che mờ cảm xúc trái tim anh. Đến lúc này, vợ lại đẹp lên trong mắt anh, chiếc váy đỏ cô mặc lại rực rỡ, bài hát cô hát lại thú vị như xưa.
Trên thực tế, không phải là những điều tầm thường quá to lớn còn tình yêu quá mong manh, chỉ đơn giản là bởi vì người ta không tìm ra cách đúng đắn để đối phó với những điều tầm thường. Nhiều người luôn đặt mối quan hệ giữa vợ và chồng sau tất cả mọi thứ. Tiền bạc là quan trọng, đúng hay sai là quan trọng, thể diện là quan trọng, nhưng đối phương lại không quan trọng. Vì thế, sự mâu thuẫn, thất vọng dần tích lũy từng chút một, và cuối cùng nó khiến cho tình yêu tan vỡ. Nếu như người ta nói hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, thì người không biết xử lý những chuyện nhỏ nhặt ấy sẽ chính là kẻ hành quyết mối quan hệ.
Đằng sau những điều tầm thường là cuộc đấu tranh vì quyền lợi
C
ác nhà tâm lý học chỉ ra rằng, điểm cốt yếu của mâu thuẫn trong các mối quan hệ mật thiết là sự cạnh tranh quyền lợi. Trong gene của mỗi người luôn có sự khát khao quyền lợi, cũng như muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn với cuộc sống. Biểu hiện đơn giản nhất của điều này trong quan hệ vợ chồng chính là việc hai phía có chịu lắng nghe nhau hay không.
Trong quan hệ vợ chồng, để có thể giành được “quyền kiểm soát” này, nhiều người cố gắng hết sức để đổ lỗi, chiến tranh lạnh, đe dọa… Việc cãi vã có thể giúp cho họ giành quyền lợi, nhưng lại tiêu tốn quá nhiều năng lượng, cảm xúc của cả hai. Hơn thế nữa, trong quan hệ vợ chồng, việc cả hai cùng giành được quyền kiểm soát về cơ bản là không thể, trừ khi bạn hy sinh mối quan hệ để có thể giành được quyền của mình.
Mâu thuẫn nhỏ nhặt nảy sinh chính từ tư duy khác biệt của hai giới
Cuốn tiểu thuyết “Vương Quý và Anna” đề cập đến câu chuyện đời thường: quê Vương Quý ở ngoại thành, mỗi lần hai vợ chồng anh về quê thăm bố mẹ là lại lục đục. Anna lớn lên ở thành phố, cô không quen với cuộc sống nông thôn, lần nào đi vệ sinh cũng thấy vô cùng bất tiện. Khi cô phàn nàn chuyện này với chồng, mong muốn được anh an ủi, cô chỉ thấy Vương Quý tức giận, anh nói cô không tinh tế, coi thường cha mẹ mình.
Nhiều người nói, giữa Vương Quý và vợ khác biệt lối sống, gây nên mâu thuẫn. Nhưng thực tế, sâu xa hơn, đây còn là sự khác biệt tư duy giữa hai giới. Người đàn ông khi có sự bất hòa nảy sinh thì sẽ luôn tập trung vào chính vấn đề và tìm cách giải quyết, thay vì hiểu ẩn ý của đối phương. Tuy nhiên người phụ nữ lại quan tâm nhiều hơn đến thái độ, nếu lời lẽ của đối phương không tốt, họ sẽ vô cùng tổn thương.
Theo các chuyên gia, để thoát khỏi những lặt vặt đời thường và duy trì hôn nhân tốt đẹp, có 5 điểm rất quan trọng cần phải lưu ý:
– Duy trì sự bình đẳng: Về căn bản, hai vợ chồng rất khó để có thể tìm thấy quan điểm sống giống nhau trong mọi khía cạnh của đời sống, bởi mỗi người có một cách nghĩ, thói quen, lựa chọn riêng. Một mối quan hệ hôn nhân hài hòa là khi cả hai biết khi nào thì tách biệt, khi nào thì gần gũi. Ví dụ, nếu người chồng thích xem phim kinh dị, vợ thích xem phim tình cảm, thì chẳng có gì cần phải thay đổi vì nhau: anh cứ xem phim kinh dị anh thích, chị vẫn xem phim tình cảm chị muốn.
– Duy trì sự thân mật:
Rất nhiều các cặp đôi kết hôn sau nhiều năm thiếu đi sự thân mật, đặc biệt khi những đứa con ra đời, tình cảm giữa hai người càng nhạt phai. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng khi đã kết hôn thì sự thân mật không còn cần thiết. Những lãng mạn nho nhỏ, những lời ngọt ngào, những món quà được chuẩn bị chu đáo…. sẽ giúp đem tới thêm sự thân mật, gắn bó cho mối quan hệ và củng cố nó.
– Nói ra những điều muốn nói:
Rất nhiều người trách móc rằng một nửa không hiểu mình, nhưng thực tế, chỉ là bạn không để người đó có cơ hội hiểu mình mà thôi. Cần phải ngồi lại với nhau và chia sẻ những cảm xúc thực của mình, điều đó vô cùng quan trọng.
– Đặt mối quan hệ vợ chồng lên vị trí cao nhất
Điều quan trọng nhất trong gia đình, chính là mối quan hệ của người vợ và người chồng. Mối quan hệ này thậm chí còn quan trọng hơn cả quan hệ cha mẹ – con cái, bởi không phải con cái, chồng và vợ mới là hai người ở bên nhau lâu nhất trong cuộc đời, là những người gần gũi với nhau nhất. Vì thế, trong mọi trường hợp, đừng phá hủy sự ổn định của mối quan hệ vợ chồng, vì bất cứ điều gì.
– Hiểu rõ sự khác biệt giữa người nam, người nữ
Có sự khác biệt rất rõ ràng trong suy nghĩ của đàn ông và phụ nữ. Sự khác biệt này chính là nguyên nhân của những mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu cả hai phía không phán xét đối phương bằng quan điểm của riêng mình, hai người sẽ hòa hợp hơn.