Với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, Việt Nam được đánh giá là nước điều trị HIV/AIDS thành công trên thế giới, cùng với Anh, Thụy Sĩ, Đức.
Thông tin này cũng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại hội nghị Y tế toàn quốc.
Ông Long cho biết Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh HIV/AIDS. 2020 là năm thứ 12 liên tiếp tình hình dịch giảm cả ba tiêu chí: số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong liên quan đến AIDS.
Trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng nửa triệu người tránh khỏi lây nhiễm HIV. Đồng thời, hơn 150.000 người thoát khỏi tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, Việt Nam trải qua hơn 30 năm ứng phó với căn bệnh này. Ông Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS, bộ Y tế – cho hay Việt Nam hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV, 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV.
Người sử dụng thuốc này hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ sẽ không có nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tình dục cho bạn tình. Việc uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị cũng giúp người nhiễm HIV giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Theo ông Cảnh, Việt Nam đã kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 trường hợp không bị tử vong do AIDS.
Với người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm (chỉ số CD4 trên 350 tế bào/uL), bệnh nhân ở tuổi 20 có thể sống thêm 50-60 năm. Tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường khi được điều trị sớm, tuân thủ theo phác đồ.
Mục tiêu của nước ta là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cụ thể, số ca nhiễm mới được phát hiện dưới 1.000/năm và tỷ lệ tử vong liên quan bệnh này dưới 1/100.000 dân, HIV/AIDS không còn là mối ngại về sức khỏe của cộng đồng.
Ngày 16/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7. Đây là luật duy nhất được trình và thông qua trong một kỳ họp Quốc hội (khóa XIV) và là một trong ba luật được 100% đại biểu Quốc hội có mặt thông qua.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nó góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số ca tử vong do AIDS đạt mức dưới một trường hợp/100.000 dân.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng cục phòng, chống HIV/AIDS, nhấn mạnh với những kết quả đạt được trong suốt 30 năm qua, bài học kinh nghiệm và chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030