Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) tiếp tục phát đi cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) viên tán sỏi Tống Thạch Hoàn đang được quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
Theo đó, qua công tác hậu kiểm, cục An toàn thực phẩm tiếp tục phát đi cảnh báo đã phát hiện trên một số website như vientansoi.com, tongthachhoan.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên tán sỏi Tống Thạch Hoàn có nội dung gây hiểu nhầm về tác dụng như thuốc chữa bệnh…
Sản phẩm này của công ty cổ phần Onepharm (địa chỉ: Phòng 201, tầng 2, số 15 ngõ 30 phố Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, công ty này không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, trong thời gian cục An toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, người tiêu dùng không nên mua, không sử dụng sản phẩm đã quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên.
Như đã thông tin, sản phẩm quảng cáo vi phạm được nhắc tới có “Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm” số 9871/2018/ĐKSP và “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 00151/2019/ATTP-XNQC do cục An toàn thực phẩm cấp cho chủ thể là công ty cổ phần Onepharm công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Sản xuất tại công ty cổ phẩn Dược phẩm VGAS (Địa chỉ: thôn Hữu Lê, xã Hữu Hoà, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội).
Công dụng được phép quảng cáo chỉ là “hỗ trợ lợi tiểu, lợi mật, hỗ trợ đào thải cặn sỏi, giúp giảm nguy cơ sỏi tiết niệu, sỏi mật”.
Theo chuyên gia y tế, nhiều công ty hiện nay đang quảng cáo quá đà công dụng các loại sản phẩm TPCN/TPBVSK để thu hút người tiêu dùng. Trong khi, những sản phẩm này chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Những hành vi quảng cáo sai sự thật đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng nên cần phải xử lý nghiêm minh mang tính răn đe.
Trên cơ sở ghi nhận thực tế và áp dụng quy định của pháp luật, tính từ đầu năm đến tháng 11/2020, cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 45 cơ sở với tổng số tiền trên 2,9 tỷ đồng.