PNN – Buổi tọa đàm vào 4 giờ chiều 9/6 đã có đưa ra những cái nhìn nhân văn, sâu sắc về hồi ký và ảnh hưởng của trào lưu, truyền thông và showbiz tới thể loại văn học này.
Hồi ký là thể loại tự truyện xuất hiện ở châu Âu khá sớm. Tuy nhiên ở Việt Nam thể loại này xuất hiện muộn và gần đây số lượng tác phẩm được xuất bản đang ngày càng được mở rộng. Xu hướng xuất bản hồi ký của các tác giả không chuyên, giới văn nghệ sĩ đã thu hút rất nhiều dư luận trái chiều, được nhiều người quan tâm.
Với sự phát triển nở rộ ấy, vào 16 giờ chiều ngày 09 tháng 06 năm 2016 tại Dolphin Plaza, tọa đàm “Hồi ký – chuyện đời, chuyện người và trào lưu xã hội” đã cùng các khách mời trao đổi về quá trình hình thành và những biến đổi của thể loại văn học hồi ký – tự truyện, những câu chuyện về cuộc đời đằng sau trang hồi kí và ảnh hưởng của truyền thông xã hội tới thể loại văn học này.
Bốn vị khách mời tham gia thảo luận gồm có:
– Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
– Nhà báo Lê Anh Hoài
– TS Văn học Trần Ngọc Hiếu
– Moderator/Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn
Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm của đông đảo người tham gia:
Trước hết, Nhà báo Lê Anh Hoài chia sẻ lý do tại sao thể loại hồi ký – tự truyện lại có thể trở thành trào lưu được nhiều người đón nhận như vậy. Đó là vì người ta thường tò mò về đời sống của một người đặc biệt nào đấy, ví dụ như những người làm nghệ thuật trong showbiz, hoặc cũng có thể là một người bị bệnh nặng như ung thư. Nhà báo cũng chia sẻ câu chuyện chấp bút cho hồi ký của một người đồng tính:
[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/06/10/MOV_0600.mp4[/presscloud]
Theo anh, hồi ký có thể là tự mình viết, có thể do người khác chấp bút (như Lê Anh Hoài, ca sĩ Ái Vân) hay một cuốn tiểu thuyết tự truyện cá nhân cũng được coi là hồi ký. Không ai quy định đến tuổi nào mới được viết hồi ký. Như nhà văn Nguyễn Hồng viết “Bỉ vỏ” năm 16 tuổi. Còn nhà văn Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu ký” năm 17 tuổi. Tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Trăm năm cô đơn” đến cuối đời mới ra cuốn hồi ký “Sống để kể lại”.
Quay trở lại với bối cảnh ở Việt Nam, Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn nhận định rằng người Việt Nam, đặc biệt là những người làm chính trị ngoài Hồ Chí Minh, rất ít khi viết hồi ký tự truyện. Mặc dù người nước ngoài luôn luôn rất tò mò rằng trước một trận đánh lớn thì con người cá nhân của những vị chỉ huy như Võ Nguyên Giáp sẽ như thế nào.
Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn
Thạc sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu Bày tỏ quan điểm: “Hồi ký tự truyện luôn thách thức sự đơn nhất của một sự thật.” Hồi ký là chứng nhân như ta có “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài. Những cuốn hồi ký chứng nhân này không thể bao quát được lịch sử một thời đại nhưng đôi khi thời đại lại nằm trong chính những ngóc ngách của cá nhân như thế.
Hồi ký cũng là chân dung của một nghệ sĩ. Như ai cũng biết rằng thơ Xuân Diệu nổi tiếng với chủ đề ca ngời tình yêu và sự sống, nhưng ông cũng có những khốn khổ, đau thương khi đối diện với cái tôi cá nhân. Hồi ký chính là mang tính chất dân chủ và có cái nhìn nhiều mặt đối với cuộc đời của một con người.
Thạc sĩ cũng chia sẻ thêm về một ca sĩ nổi tiếng hiện nay với cuốn tự truyện của anh – ca sĩ Đức Phúc. Anh nói rằng không thích và cũng không hiểu tại sao cháu mình lại thích chàng ca sĩ này nhiều như vậy. Nhưng đó là một cuốn hồi ký về chuyện Đức Phúc đã chịu nhiều đau đớn để trải qua đó là phẫu thuật thẩm mỹ. Những khó khăn trong showbiz khi ai cũng mong muốn và được kì vọng phải xuất hiện thật đẹp đẽ, lộng lẫy đã tác động tới một con người như thế nào.
Hay ta có thể ký họa Nguyên Hồng năm 16 tuổi là một người rất gai góc. Đọc “Trong lòng mẹ” ta sẽ hiểu một người buộc phải trở nên gai góc như vậy để tránh được tổn thương do người khác gây ra. Bạo lực ngôn từ với đà phát triển càng ngày càng mạnh mẽ của internet hiện nay cũng trở nên phổ biến hơn. Vậy nên cái ý nghĩ rằng chỉ có một ai đó mới có thể viết hồi ký là phản dân chủ. Ai cũng có quyền nói lên cuộc đời của mình và tương tác trong một sự thật rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, mặt trái đó là có rất nhiều hồi ký gần đây kể lại với mục đích ve vuốt bản thân nhiều hơn là để nhìn lại đời sống và chịu trách nhiệm với cái tôi cá nhân của mình.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có liệt kê ra một số cuốn hồi ký hay như “Là tội” của Hà Anh: từ cuộc đời của một người bình thường cho đến siêu mẫu; hay “40 năm nói láo” của Nhà báo Vũ Bằng. Một người làm báo nhưng lại kể về cuộc đời mình là 40 năm nói láo, nhưng ông cũng từng chia sẻ với mẹ mình rằng có cho ông chọn lại ông vẫn sẽ làm báo. Trong cuốn hồi ký còn trêu cụ Ngô Tất Tố – tác giả tiểu thuyết “Tắt Đèn”
rằng “hết thảy cột đèn ở Hà Nội đều là khăn mùi soa của cụ Tố”.
Vấn đề ở đây là hồi ký lấy con người mình, cuộc đời mình làm chất liệu thì liệu người ta có tin hay không? Nên hồi ký còn đan xen cả những câu chuyện khác nữa, đôi khi ẩn mình trong đó là hơi thở của thời đại. Không có sự thật nào bắt nguồn từ một cái nhìn nên chúng ta hãy viết khi cảm thấy có điều thực sự muốn nói.
Gần cuối buổi tọa đàm, Thạc sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu tiếp tục nói về tính văn học bất biến của hồi ký. Một người không tự làm nên bản thân từ chân không mà văn hóa, thời đại chạm đến mỗi bản ngã của con người: “Không có gì đau khổ, vật vã, nhọc nhằn hơn trên con đường tìm bản thân, và cũng không có gì hạnh phúc hơn được là chính mình. Không có một sự thật nào là không gây tổn thương.” Bởi vậy đọc hồi ký có thể thấy được con người ta có đang nhìn mình đủ nghiêm khắc hay không.
Một cuốn tự truyện hay khiến người ta nhận ra được rằng “Ồ ta sống thế này cũng được”. Đi sâu vào đời thường mà chẳng cần quá nhiều hoa mỹ.
Cuối cùng, hồi ký không nên dùng sự thật để công kích người khác. Vì sự thật nhìn từ góc độ của người này sẽ khác với khi nhìn từ góc độ của người kia. Chúng ta không ai hoàn hảo trong thế giới đa nguyên này.
Qua buổi tọa đàm, bốn vị khách mời đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi của độc giả và những người tham dự.
[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/06/10/MOV_0602.mp4[/presscloud]
Thiên Thanh