Ở châu Á có một số nước tổ chức Tết Trung thu, nhưng ở mỗi đất nước Tết Trung thu lại có ý nghĩa khác nhau. Cùng tìm hiểu về truyền thống trăng rằm lâu đời này nhé!
Việt Nam: Tết Trung thu là Tết Thiếu nhi
Ở Việt Nam, ngày 15/8 Âm lịch là ngày Tết Trung thu, còn có tên gọi khác là Tết Thiếu nhi. Vào ngày này, trẻ em thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, được ăn bánh dẻo, bánh nướng, được phá cỗ, trông trăng và xem múa lân, múa sư tử, múa rồng,…
Rước đèn là hoạt động Tết Trung thu nổi bật ở Việt Nam.
Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Các trường cũng tổ chức cho các em biểu diễn văn nghệ.
Dù là dịp tết lớn nhưng theo quy định thì Trung thu không phải ngày được nghỉ, người lao động và học sinh vẫn phải đi làm, đi học bình thường.
Hàn Quốc: Tết Trung thu là ngày hướng về tổ tiên
Ngày lễ Chuseok ở Hàn Quốc.
Tết Trung thu ở Hàn Quốc gọi là Chuseok hay Hangawi (Lễ tạ ơn), là lễ hội lớn nhất trong năm và là kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 đến 5 ngày từ ngày 15 tháng 8 âm lịch.
Hangawi/Chuseok là ngày lễ rất quan trọng với người Hàn Quốc. Đây là ngày mà người Hàn Quốc, người nông dân xuyên suốt các thời kỳ lịch sử tạ ơn tổ tiên vì một mùa màng bội thu trong năm và chia sẻ sự sung túc của họ với gia đình và bạn bè.
Mọi người quây quần nhảy theo vòng tròn điệu nhảy truyền thống.
Vào buổi sáng ngày Chuseok, các món ăn được chuẩn bị với nguyên liệu tươi từ vụ mùa trong năm được bày biện để làm lễ Charye tạ ơn tổ tiên (lễ cúng gia tiên). Sau Charye, các gia đình đến viếng mộ tổ tiên của họ và tham gia vào nghi thức nhổ cỏ mọc trên gò chôn cất. Qua hoàng hôn, các gia đình và bạn bè đi dạo và ngắm vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu hoạch hoặc chơi các trò chơi dân gian như Ganggangsullae (Điệu nhảy vòng tròn của Hàn Quốc).
Trung Quốc: Tết Trung thu là Tết đoàn viên
Trước đêm Trung Thu, mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, đó là ý nghĩa “song viên”, nên cũng gọi là ”Tiết Đoàn Viên”.
Mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, lập bàn thưởng trăng và chúc tụng nhau với những lời tốt đẹp vây quanh cuộc sống, hoặc chúc sức khỏe cho những người thân đang sống nơi xa.
Bánh Trung Thu: Chiếc bánh trong ngày Tết Trung thu của người Trung Quốc gắn với một huyền thoại. Vào thế kỷ XIV, người ta trao nhau những chiếc bánh kếp có đính kèm những mảnh giấy viết “Tiêu diệt người Mông Cổ vào ngày 15 của tháng thứ 8”. Đó là thông điệp bí mật từ lãnh đạo phiến quân Chu Nguyên Chương kêu gọi người Trung Quốc lật đổ vua cai trị người Mông Cổ thời nhà Nguyên (1279-1368).
Nhật Bản: Tôn vinh mặt trăng trong mùa thu
Otsukimi (nghĩa đen là ngắm trăng) có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản từ thời Heian. Lễ hội này được ra đời nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu – mùa có thể nói là trăng được tròn nhất. Otsukimi thường được diễn ra vào ngày 15 tháng thứ 8 trong âm lịch. Sở dĩ nó được tổ chức vào những ngày này vì từ thời xưa, người Nhật đã coi thời gian này là trăng đẹp và tròn nhất trong năm.
Bánh Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời.
Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung thu hàng năm vẫn được tổ chức rầm rộ. Theo quan niệm của người Nhật Bản, trên mặt trăng không có chị Hằng Nga, chú Cuội như Việt Nam mà chỉ có thỏ ngọc sống trên đó. Họ cho rằng vào ngày này, thỏ ngọc trên mặt trăng thường giã bánh Tsuki-Dango.
Trong ngày Tết Trung thu ở Nhật Bản, trẻ em cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Thanh