Trước khi có ý định mang thai, các mẹ cần thăm khám để đảm bảo có sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho việc có bầu.
Ngày 2/10, thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi bị bệnh giang mai bẩm sinh.
Cách đây 20 ngày, khoa Hồi sức sơ sinh (Bệnh viện Sản nhi Nghệ An) tiếp nhận bệnh nhi Trần Tú L. (0 ngày tuổi) được xác định bị bệnh giang mai bẩm sinh.
Bệnh nhi L. được sinh ở một bệnh viện huyện ở Nghệ An từ người mẹ mắc bệnh giang mai, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, viêm nhiễm tay chân với thể trạng non yếu.
Sau khi nhập viện, các bác sỹ điều trị cho bệnh nhi theo phác đồ điều trị bệnh giang mai đối với trẻ sơ sinh. Ngày 2/10, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi L. đã ổn định sức khỏe, có thể xuất viện trong ít ngày tới.
Trước đó, tháng 5/2020 Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) cũng tiếp nhận bệnh nhi 1 tháng tuổi được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng khó thở, bụng chướng, vết loét ở chân, mông. Sau đó, bé được xác định mắc giang mai bẩm sinh.
Thế nào là bệnh giang mai bẩm sinh?
Bệnh giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Giang mai bẩm sinh là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ sang thai nhi mà có thể gặp: Nặng là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, nhiễm khuẩn và trẻ có thể tử vong; Nhẹ hơn là trẻ sinh ra có vẻ bình thường sau dần xuất hiện tổn thương các cơ quan: mắt, tai, xương… nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con xảy ra từ tháng thứ 4 và 5 của thai kỳ bởi khoảng thời gian này nhau thai cho phép máu của người mẹ dễ dàng trao đổi với máu của thai nhi, chính điều này đã tạo cơ hội để xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi qua mạch máu rốn và lây bệnh.
Phòng chống giang mai ở thai nhi
Để phòng tránh trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ, cần nghiêm túc thực hiện các lưu ý sau:
– Đến các cơ sở y tế để khám và thực hiện các xét nghiệm trước khi lập kế hoạch mang thai và sinh con.
– Khám tiền sản trước khi mang bầu để phòng tránh bệnh giang mai bẩm sinh.
– Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như bao cao su.
– Khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh.
Đối với những người mẹ nghi ngờ bị lây nhiễm bệnh giang mai do quan hệ tình dục trong thời kỳ thai nghén, để phòng tránh bệnh giang mai lây từ mẹ sang con cũng cần thực hiện những xét nghiệm cần thiết để phát hiện kịp thời và có cách xử trí phù hợp.
Nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để quá trình điều trị cho trẻ có tiến triển tốt, tránh các hậu quả không mong muốn sau này.