Bé trai ngủ gục khi ngồi sau xe máy khiến người cha không kiểm soát được tay lái và xảy ra tai nạn.
Ngày 29/9, đại diện bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vừa qua bệnh viện đã phẫu thuật cứu thành công trường hợp bé trai bị tai nạn vỡ lách rất nặng.
Trước đó, vào chiều ngày 19/9, bé N.Đ.T. (3 tuổi) được bố chở đi dạo chơi bằng xe gắn máy. Bé được ngồi trước đầu xe của bố nhưng lại không có đai thắt an toàn. Trong lúc đi chơi, gió mát khiến bé ngủ gục. Sau đó bé T. bỗng nhiên mớ ngủ đã đứng bật dậy khiến bố không thể kiểm soát tay lái. Xe nghiêng làm hai bố con ngã ra đường.
Sau khi té ngã, bé T. kêu đau bụng bên trái nên lập tức bé được bố chở vào BV để thăm khám và cấp cứu. Nhận thấy bé quấy khóc nhiều, bác sĩ trực cấp cứu đã tiến hành chỉ định chụp CT cho bé để xác định nguyên nhân gây đau bụng.
Kết quả cho thấy bé bị chấn thương vỡ lách độ 3 nhưng không có dấu hiệu chảy máu, dịch ở bụng.
Thời điểm khám tại khoa Cấp cứu bé tỉnh táo, chỉ số sinh tồn ổn định. Đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy bé không bị thiếu máu nên bé được nhập lên khoa Ngoại Tổng quát để theo dõi và điều trị tiếp.
Trẻ nhỏ hay ngủ gật khi đi xe
Cha mẹ hãy nhớ, với bản tính hiếu động, không biết sợ hãi, không thấy được nguy hiểm như người lớn nên chỉ làm theo bản năng. Nhiều trẻ khi leo lên xe máy, đặc biệt trong trong tiết mát trời, các con rất dễ bị ru ngủ. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn hơn như có thể ngủ gật vì thức đêm học thêm, học bài. Cơn buồn ngủ kéo đến, tay của các con đã mất ý thức bám vào bố, mẹ đang chở mà chỉ làm theo bản năng muốn ngủ.
Ngoài việc hay ngủ khi ngồi sau xe máy mà không có người kèm, trẻ thường bị ngồi lệch, dễ ngã khỏi xe mỗi khi đường xấu, có ổ gà. Đặc biệt, với những loại xe ga đời mới, yên xe thường bè rộng so với cơ thể các con, nên khi ngồi trẻ thường không có điểm tựa, không kẹp vào được, nên dễ bị rơi ra nếu dừng đột ngột.
Chở con bằng xe máy thế nào là an toàn?
Các chuyên gia lưu ý, khi chở trẻ nhỏ trên xe máy, những điều đầu tiên mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng cần phải nhớ là:
– Đối với trẻ từ 1 tuổi trở xuống, nên dùng đai để cố định trẻ khi lưu thông trên đường. Nếu không, bạn có thể dùng khăn vải làm thành một túi đeo chéo để giữ chặt con. Không để chân hoặc đầu trẻ thò ra ngoài tránh xe cộ va quệt vào trong khi di chuyển
– Nếu con bạn từ 3 tuổi trở lên, bạn nên cho bé đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Đặt trẻ ngồi giữa cha mẹ, bạn giữ chặt bé bằng hai tay và không cho con ló đầu ra ngoài.
– Không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào.
Vị trí nào trên xe máy cho trẻ nhỏ là an toàn?
Trẻ ngồi phía trước là vị trí nguy hiểm nhất, xe chỉ cần phanh gấp, lực quán tính đẩy đứa bé đến phía trước, ngực đập vào tay lái, có thể sẽ vỡ bất cứ thứ gì bên trong lồng ngực, kể cả tim. Nếu xe ngã, vị trí phía trước là nơi chật chội, chèn ép, và tay lái có thể quay ngang chọc vào bụng trẻ.
Không nên cho trẻ đứng trên yên xe dù là có người giữ phía sau, vì khi xe chao trái hay phải, lực gia tốc kéo trẻ đi theo cái đà đó, xe sẽ có khuynh hướng nghiêng theo chiều ngang, khi đó trọng lực sẽ kéo đứa trẻ xuống, trẻ càng nặng lực càng mạnh, không cách gì người ngồi phía sau có thể kiểm soát được, chỉ cần một tích tắc sơ sẩy là trẻ tuột xuống đường ngay.
Chở trẻ con bằng xe máy, vị trí an toàn nhất là sau lưng người lớn, có dây đai để nịt chặt trẻ vào bụng người chở, trẻ muốn ngủ, muốn quậy phá thì người chở vẫn có thể kiểm soát được.