Từ mai, học sinh THCS và THPT được bỏ bài kiểm tra 1 tiết

Từ ngày 11/10, học sinh THCS và THPT sẽ không phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Cùng với đó, nhiều hình thức đánh giá mới cũng chính thức được áp dụng.

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 11/10. Theo đó, nhiều điểm mới trong việc đánh giá học sinh bậc THCS và THPT được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây cũng chính thức được áp dụng.

Học sinh THCS và THPT sẽ không phải làm bài kiểm tra một tiết từ ngày 11/10. Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Điều 7 của Thông tư này quy định rõ các loại kiểm tra, đánh giá bao gồm thường xuyên và định kỳ.  

Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ gồm điểm giữa kì tính hệ số 2, điểm cuối kì tính hệ số 3. Điểm trung bình môn là trung bình cộng của điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, điểm giữa kì và điểm cuối kì với các hệ số quy định.

Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học và giáo dục, nhằm kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý, điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. 

Theo đó, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học có 2 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Như vậy, học sinh THCS và THPT sẽ không còn phải làm bài kiểm tra 1 tiết. Ngoài ra, các hình thức đánh giá mới cũng đa dạng hơn, hướng tới sự phát triển toàn diện của học sinh.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút. Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.

So với Thông tư 58 năm 2011, điểm kiểm tra 1 tiết đã được loại bỏ, số đầu điểm ở từng môn đã giảm. Môn nhiều nhất chỉ còn 6 đầu điểm.

Một điểm mới nữa của thông tư 26 là kết hợp thêm đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, cùng với đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu của môn học. Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Mặt khác, việc xét công nhận danh hiệu học sinh cũng có sự thay đổi. Ngoài việc công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kì hoặc cả năm, học sinh tiên tiến còn có học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập.

Related Posts

Những giáo viên “làm mưa, làm gió” mạng xã hội 2020

Điểm lại loạt thầy cô giáo gây chú ý nhiều nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận trong năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng Cô…

Read more

“ Chuyến xe yêu thương” Xuân Tân Sửu 2021 đưa người bệnh về quê đón Tết

Sáng 06/02, không khí tại sảnh bệnh viện Trung ương Huế náo nhiệt, đông vui hơn bao giờ hết. Hàng trăm người bệnh và người nhà với hành lý, đồ…

Read more

Hà Nội cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ ngày mai 1/2

Toàn bộ học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn 1 tuần (từ 1/2) trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hà Nội là…

Read more

Hòa Bình họp khẩn trong đêm, cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 1/2

Ngay sau khi phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức họp khẩn trong đêm để đưa ra các biện pháp…

Read more

Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học để phòng chống COVID-19

Bộ GD&ĐT có công văn điều chỉnh kế hoạch dạy học ở các địa phương để phòng chống dịch COVID-19. Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ…

Read more

Hà Nội: Hơn 600 trẻ mầm non nghỉ học vì liên quan tới F2 của BN 1553

Hơn 600 trẻ ở trường mầm non trên địa bàn Hà Nội được nghỉ học ngày 29/1 để khử khuẩn sau khi một bé tiếp xúc gần với ca nghi…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *