Từ ngày 1/1/2021, lao động nữ mang thai khi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,… thì được giảm 1 giờ làm việc hàng ngày nếu thông báo cho người sử dụng lao động biết.
Bộ luật Lao động mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có một số thay đổi về quy định đối với lao động nữ mang thai. Đáng chú ý là về thời gian làm việc của phụ nữ mang thai.
Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định giờ làm việc bình thường đối với người lao động là không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Riêng với lao động nữ mang thai, giờ làm việc sẽ được giảm bớt nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Hiện nay, theo Bộ luật Lao động năm 2012, lao động nữ làm công việc nặng nhọc phải mang thai tới tháng thứ 07 mới được giảm giờ làm hoặc chuyển công việc nhẹ hơn. Đồng nghĩa với đó, khi mang thai dưới 07 tháng, lao động nữ vẫn phải làm công việc nặng nhọc như bình thường.
Với Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động khi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con nếu mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì sẽ được chuyển làm công việc khác an toàn hơn hoặc được giảm 01 giờ làm việc hàng ngày.
Bên cạnh đó, để bảo vệ thai sản cho lao động nữ, khoản 1 Điều 137 BLLĐ năm 2019 nêu rõ:
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Theo quy định này, người sử dụng lao động sẽ không được sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) làm việc ban đêm, làm thêm giờ.
Do đó, lao động nữ mang thai dưới 07 tháng hoặc dưới 06 tháng (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) vẫn có thể phải làm ca đêm, làm thêm giờ nếu người sử dụng lao động yêu cầu.
Tuy nhiên, căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 107 BLLĐ 2019, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ nếu được người này đồng ý. Như vậy, lao động nữ mang thai có quyền từ chối làm thêm giờ.
Trên đây là những lưu ý về giờ làm việc dành cho phụ nữ mang thai sẽ được thực hiện từ năm 2021 mà người lao động cần biết.