Mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 35-40 bệnh nhân đột quỵ. Gần đây, số lượng bệnh nhân nặng tăng lên, đặc biệt là chảy máu não tăng 10-20% so với ngày thường.
TS.BS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, là tuyến cuối nên trong những ngày giá rét vừa qua số lượng bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm ổn định, 35-40 bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân nặng có vẻ tăng lên, đặt biệt là tăng ở nhóm chảy máu não khoảng 10-20%.
“Đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tốt, trong đó thời tiết là một phần. Trời rét là yếu tố thúc đẩy nhóm bệnh nhân bị đột quỵ, đặc biệt là chảy máu não, bệnh nhân có cơn tăng huyết áp kịch phát”, bác sĩ Phương cho biết.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến một số yếu tố như chế độ ăn (trời rét có xu hướng ăn mặn hơn, ăn nhiều chất mỡ hơn), giảm vận động.. Nguy hiểm nhất là trời rét bệnh nhân bị gián đoạn điều trị huyết áp hằng ngày, hết thuốc ngại không đi khám, quên uống thuốc.
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não, chảy máu não). Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Phần nào của não bị chết thì phần phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê…
Với đột quỵ, thời gian là não
Việt Nam mỗi năm ghi nhận 200.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đáng chú ý số bệnh nhân đang gia tăng hàng năm, đặc biệt nhiều người mới chỉ 40-45 tuổi.
Dù mới thành lập chưa được bao lâu, mỗi tháng Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 1.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Với điều trị đột quỵ thời gian là não, điều trị càng sớm bao nhiêu thì tỷ lệ hồi phục càng cao bấy nhiêu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương thống kê chỉ khoảng 10-20% bệnh nhân đến viện sớm. Có bệnh nhân có dấu hiệu khởi đột quỵ từ chủ nhật nhưng đến tận thứ 2 (sau 3 ngày mới vào viện). Đây là điều rất đáng tiếc để bác sĩ có thể có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Những trường hợp vào viện muộn như thế không phải hiếm gặp.
“Mơ ước của những người làm bác sĩ như chúng tôi là bệnh nhân đến ngay trong 3 giờ đầu tiên. Đây là điều cực kỳ khó, chỉ có bệnh nhân ở Hà Nội. Vì thế, chỉ khi nhận ra có hiệu đột quỵ, bệnh nhân chỉ cần đến một cơ sở y tế được thực hành điều trị đột quỵ đã là tốt”, bác si Phương chia sẻ.
Theo bác sĩ có nhiều yếu tố cản trở việc bệnh nhân đột quỵ đến viện sớm. Thứ nhất là do người bệnh, người nhà không nhận thức những dấu hiệu của đột quỵ. Cộng đồng chỉ cần nắm những dấu hiệu cơ bản, đơn giản như bỗng dưng yếu liệt tay chân một bên, liệt mặt, có thể nói ngọng, nói khó hoặc mất hẳn ngôn ngữ, mất thi lực một bên, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.
Thứu hai là nhiều người dân Việt vẫn còn cho rằng bệnh nhân bị đột quỵ phải nằm một chỗ, không di chuyển. Những trường hợp này không hiếm gặp, nhiều người nằm mãi không thấy phục hồi mới đến viện thì đã quá muộn.
Thứ 3 là người dân chưa có thói quen gọi hỗ trợ bởi nhân viên y tế cấp cứu trước viện. Nhiều trường hợp người nhà tự vận chuyển, tự đưa đi viện đôi khi không cần thiết. Ví dụ, bệnh nhân bị nhồi máu não ở Ninh Bình, Hưng Yên có thể vào bệnh viện tỉnh để đảm bảo thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân, thay vì nhất định phải chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai làm lỡ mất thời gian vàng. Người nhà có thể gọi đến hệ thống cấp cứu trước viện để được tư vấn phù hợp.