Bánh Trung thu rất khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy bố mẹ nhất định phải khống chế lượng ăn cho trẻ.
Thành phần dinh dưỡng
Theo ước tính của Viện dinh dưỡng quốc gia, nếu chia theo thành phần dinh dưỡng thì:
– 1 cái bánh dẻo nhân đậu xanh 1 trứng chứa 807 kcal (năng lượng bằng 2 tô bún thịt nướng), 11 g đạm, 11,5 g chất béo, 158g bột đường.
– 1 cái bánh nướng 250g thập cẩm 2 trứng cung cấp 1095 kcal (năng lượng bằng 2 tô phở), 33g đạm, 46,6g béo và 104g bột đường.
Lượng bột đường của 1 bánh dẻo gần bằng 4 chén cơm, còn bánh nướng bằng 2,5 chén, lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Tác hại của việc cho trẻ ăn bánh Trung thu quá nhiều
Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, và càng làm trẻ chán ăn, thêm suy dinh dưỡng.
Ngoài việc vỏ bánh cung cấp quá nhiều đường cho trẻ, nhân bánh làm từ các loại “sơn hào hải vị” khác nhau như thịt mỡ, gà, jambong cũng gây nhiều tác hại cho bé vì có nhiều chất béo no. Không những vậy, lượng đạm động vật trong bánh nướng thường khá cao và nếu không được bảo quản tốt dễ gây ra ngộ độc.
Sử dụng bánh Trung thu cho trẻ như thế nào là hợp lý?
Bố mẹ có thể căn cứ vào lứa tuổi của trẻ để cân nhắc cho trẻ ăn bánh Trung thu hay không. Cụ thể như sau:
– Trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi: Trẻ chưa ăn dặm không nên ăn bánh Trung thu.
– Trẻ từ 6 tháng – 3 tuổi: Bé có thể thử 1 miếng nhỏ, tuy nhiên chú ý đến nguy cơ hóc nghẹn và thành phần nhân bánh xem có loại hạt nào dễ gây dị ứng hay không. Những loại bánh quá ngọt, quá béo cũng không nên cho bé thử.
– Trẻ từ 3 tuổi trở lên: Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), mỗi lần trẻ chỉ nên ăn một miếng bằng 1/8 chiếc bánh 200g. Nếu cho trẻ ăn quá nhiều bánh Trung thu sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày, đường ruột, dẫn đến chướng bụng, trẻ có thể bị đau bụng, tiêu chảy…
Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp. Nếu ăn 1/2 bánh dẻo hoặc bánh nướng, trong ngày cần bớt đi khoảng 1 bát cơm và lượng thức ăn tương ứng, tăng cường rau xanh để tống chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Nếu không giảm phần cơm thì trẻ cần đi bộ thêm 30 phút để tiêu hao bớt năng lượng dư thừa.
Nếu ăn quá nhiều, đối với trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.