Ngoài việc làm lễ cúng rằm tháng 7 tại nhà thì người Việt còn có thói quen đi chùa chiền, thắp nhang cầu xin sức khỏe, cầu siêu… mong một tháng bình yên và có được sự may mắn.
Lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ như truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Ảnh Vietnamnet
Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ, để tìm về nguồn cội yêu thương, như truyền thống lâu đời của người Việt vốn trọng những tấm lòng thảo thơm…
Vào ngày ngày, hàng trăm Phật tử và người dân sẽ đến dự lễ Vu Lan tại các ngôi chùa nhằm cầu an cho cha mẹ, ông bà tổ tiên và cầu xin sức khỏe, cầu siêu… mong một tháng bình yên, có được sự may mắn.
Chùa Phúc Khánh
Vào những ngày rằm, mồng 1 và ngày lễ lớn chùa Phúc Khánh mở cửa từ sáng đến tối để phục vụ du khách đến hành hương.
Chùa Phúc Khánh hay còn được biết đến với tên gọi Chùa Sở là một ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội, tọa lạc gần ngã tư Sở, thuộc quận Đống Đa. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an.
Đây là một ngôi chùa nhỏ nhưng vào những ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7 nơi đây thu hút cả ngàn người đến chiêm bái, lễ Phật cầu may, dâng sao giải hạn, cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để cầu duyên.
Đi vào ngày lễ, du khách nên gửi xe ở ngoài và tản bộ vào trong chùa. Đồng thời, nên chấp hành những nội quy cơ bản để đảm bảo không gian thanh tịnh tại ngôi chùa.
Chùa Trấn Quốc
Khuôn viên rộng rãi và cảnh quan xanh mát tại chùa Trần Quốc.
Với lịch sử hơn 1.500 năm tuổi, Trấn Quốc được coi là ngôi chùa lâu đời bậc nhất tại kinh thành Thăng Long vào thời thời Lý và thời Trần. Sau nhiều lần đổi tên, tên chùa Trấn Quốc hiện nay được mọi người quen gọi từ đời vua Lê Hy Tông.
Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây – hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội, xung quanh được bao bọc bởi sông nước đem lại cảnh quan phong thủy hữu tình, cảm giác thư thái, trong lành cho những người dân ghé thăm. Chùa như một hòn đảo nổi, tuy nằm tại trung tâm thủ đô mà vô cùng yên tĩnh, thanh tịnh, tránh xa mọi xô bồ, ồn ào.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật, Bồ tát có gia trị nghệ thuật. Đáng nói nhất là tượng Thích Ca nhập Niết bàn đẹp nhất ở Việt Nam. Kiến trúc chùa uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan bình yên, thanh nhã bên cạnh hồ nước mênh mông. Ngày nay, chùa Trấn Quốc không chỉ là nơi tiếp đón hàng nghìn Phật tử hành lễ mà còn là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội.
Vào ngày rằm tháng 7, mọi người thường đến đây để cầu bình an, may mắn, sức khỏe cho cả gia đình. Khi dâng lễ tại chùa, du khách có thể đặt lễ mặn ở ban Đức Ông trước, còn tại tam Bảo thì lễ chay như hoa quả, trầu cau, đèn, nến, bánh kẹo…
Chùa Ba Vàng
Vào ngày rằm tháng 7, ngoài việc hành hương, chiêm bái, du khách có thể tản bộ vãn cảnh chùa Ba Vàng.
Chùa Ba Vàng toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, ở độ cao 340m so với mặt nước biển. Chùa nằm trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là sông, phía sau tựa lưng vào núi, hai bên là rừng thông xanh ngát.
Du khách, Phật tử dù chỉ một lần chiêm bái chùa Ba Vàng sẽ được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng của chốn đạo thiền nhà phật. Đây không chỉ là nơi để tu tập cho những người đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá -lịch sử và là điểm đến của tăng ni, phật tử, khách thập phương trong và ngoài nước.
Vào ngày rằm tháng 7, chùa Ba Vàng tổ chức nhiều chương trình với nội dung khác nhau, bao gồm cả văn hóa nghệ thuật, mang đến cho phật tử sự thanh thản và êm ái trong tâm hồn.
Chùa Bái Đính
Không chỉ sở hữu những điều độc đáo, chùa Bái Đính còn là nơi du khách thập phương đổ về rất đông trong những ngày lễ quan trọng.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa chiền nằm trên núi Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viên, cách cố đô Hoa Lư 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Ninh Bình 12km.
Toàn bộ khuôn viên chùa Bái Đính mới được thiết kế hài hòa, gắn với thung lũng cao, hồ nước, không gian cây xanh với những khu vườn thoáng. Tất cả đã tạo ra một sự kết hợp hài hòa của không gian kiến trúc chùa chiền bao la, tĩnh lặng và thoát tục bởi tiếng chuông chùa ngân nga, siêu thoát. `
Chùa Bái Đính đã trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Từ trên đỉnh núi hùng vĩ phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bao la, ta sẽ thấy tâm hồn thật thư thái. Đặc biệt, đứng trước các pho tượng Phật du khách sẽ có cảm giác được che chở và thấm nhuần tư tưởng từ, bi, hỉ, xả của ngài.
Thu Hằng tổng hợp