Các bậc cha mẹ có thể sẽ giật mình và cần nhìn lại bản thân vì đã quá dễ dãi khi cho trẻ sử dụng thiết bị có màn hình như tivi, điện thoại quá mức cho phép, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi.
Với sự phát triển của công nghệ số ngày nay thì có lẽ các thiết bị điện tử có màn hình như smartphone, iPad, tivi đã không còn quá xa lạ trong các hộ gia đình. Có một thực tế là với những gia đình có con nhỏ, không ít bố mẹ thừa nhận rằng họ phải dùng đến tivi, điện thoại để bé có thể ngồi yên hoặc cho bé giải trí trong lúc người lớn rảnh rang làm việc khác.
Nhiều cha mẹ khá dễ dãi khi cho trẻ sử dụng thiết bị có màn hình như tivi, điện thoại quá mức cho phép, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi (Ảnh minh họa)
Những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử có màn hình đã được nhiều nghiên cứu và các nhà khoa học khuyến cáo. Những tác động tiêu cực đó có thể kể đến như béo phì, chậm phát triển, kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp kém kèm theo các vấn đề về hành vi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không nên xem tivi, điện thoại hoặc chơi game trên máy tính quá 1 giờ mỗi ngày. Thay vào đó nên dành thời gian ngủ nghỉ đủ giấc, và tham gia các hoạt động bổ ích để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Còn trẻ sơ sinh dưới một tuổi thì không nên tiếp xúc với màn hình điện tử.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không nên xem tivi, điện thoại hoặc chơi game trên máy tính quá 1 giờ mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Bộ não của trẻ phát triển nhanh nhất trong 3 năm đầu đời và nó sẽ hoạt động tốt nhất khi sử dụng cả 5 giác quan. Kinh nghiệm có được khi trẻ cầm một quả táo thực trên tay, ngửi mùi hương của quả táo, nếm và cảm nhận độ giòn ngon đồng thời được trực tiếp nghe tên gọi của quả táo đó sẽ phong phú và chân thực hơn là nhìn thấy hình ảnh một quả táo trên màn hình và nghe âm thanh phát ra từ thiết bị.
Tổ chức WHO khuyến cáo trẻ sơ sinh nên có hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày, đặc biệt các trò chơi trên sàn nhà. Đối với những em bé chưa thể di chuyển, mẹ nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để cho bé vận động, chẳng hạn tư thế nằm sấp, tập đạp xe bằng chân trên không trong khi bé thức. Trẻ em từ 1-5 tuổi nên dành ít nhất 3 giờ mỗi ngày cho các loại hoạt động thể chất khác nhau trong suốt cả ngày.
Trẻ nhỏ nên ra ngoài và tham gia các hoạt động thể chất thay vì xem màn hình thiết bị điện tử (Ảnh minh họa)
Vẫn biết thời đại công nghệ phát triển, việc loại bỏ hoàn toàn các thiết bị màn hình ra khỏi cuộc sống của trẻ rất khó, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con điều chỉnh thời lượng và kết hợp các trò chơi vận động kèm theo để bé không bị phụ thuộc, rơi vào thế giới ảo. Để kiểm soát tốt thời gian xem màn hình điện tử, cha mẹ có thể áp dụng các cách như sau:
– Đặt ra giới hạn: Mẹ hãy đặt ra các giới hạn, thời lượng xem màn hình của con dưới 1 giờ mỗi ngày. Hoặc thử cân nhắc về thời gian sử dụng trong 1 tuần thay vì mỗi ngày. Những ngày bé ốm hoặc trời mưa, bé có thể xem 1 bộ phim hoạt hình, còn lại sẽ dành để tham gia các hoạt động và không xem gì hết.
– Lựa chọn nội dung phù hợp: Mẹ hãy lưu ý khi cho trẻ xem thì cần lựa chọn các chương trình phù hợp với lứa tuổi để củng cố thêm việc học bổ ích cho trẻ. Mẹ có thể tham khảo những chương trình được thiết kế và lựa chọn dành riêng cho trẻ ở từng giai đoạn.
– Nói chuyện nhiều với con: Cả mẹ và bé nên cùng xem, trò chuyện và chia sẻ thông tin với nhau về những gì nghe thấy, nhìn thấy. Đặt câu hỏi, gợi ý để giúp con tiếp cận tốt hơn.
– Không đặt thiết bị trong phòng ngủ: Tốt nhất là không nên đặt bất cứ thiết bị màn hình nào trong phòng ngủ của bé. Sự phân định ranh giới rõ ràng ngay từ nhỏ sẽ giúp tạo thói quen tốt cho trẻ sau này.
– Làm gương cho trẻ: Mẹ cần làm gương cho trẻ noi theo, chẳng hạn như không xem tivi, điện thoại trong giờ ăn, dành nhiều thời gian bên con. Có như vậy trẻ sẽ biết tự điều chỉnh bản thân và làm theo mẹ.