Gần đây nhiều nội dung video phản cảm, trái thuần phong mỹ tục tràn lan trên mạng xã hội đang gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của giới trẻ.
Tràn lan nội dung nhảm nhí trên mạng
Mới đây, chủ tài khoản Youtube Hưng Vlog (tên thật Nguyễn Văn Hưng, SN 1992, quê Bắc Giang, con trai của bà Tân Vlog) tiếp tục bị sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phạt hành chính 10 triệu đồng do thực hiện hành vi đăng tải video clip có nội dung trái với quy định của pháp luật trên mạng xã hội (video có tiêu đề “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi”). Trước đó không lâu, tài khoản này cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng clip nấu cháo gà nguyên lông.
Đây không phải chủ tài khoản duy nhất đăng tải những video trái với thuần phong mỹ tục, mà rất rất nhiều tài khoản khác với nội dung tương tự, thậm chí còn đồi trụy, thiếu thuần phong hơn nữa vẫn được đăng lên nhằm câu view, kiếm tiền một cách rẻ mạt. Những video này gây phản cảm, khiến người xem rất bức xúc.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng (học viện Báo chí và Tuyên truyền), những video có nội dung lệch chuẩn trên mạng xã hội sẽ gây tác động rất xấu đối với những người xem, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, sức hút của các video mang tính nhảm nhỉ sẽ làm mất đi tính định hướng, tính giáo dục và tính nhân văn của những video lành mạnh khác. Không những vậy, nó còn khiến cho các bạn trẻ xao nhãng trong học tập mà bỏ quên việc học hành, phấn đấu rèn luyện.
“Khi xuất hiện nhiều video có nội dung nhảm nhí, giật gân sẽ tạo cơ hội cho những nội dung xấu, thông tin sai lệch ngày càng nhiều. Những biến tướng, lệch chuẩn trong các video càng làm suy thoái đạo đức của con người, không thể xem nhẹ. Công cuộc ngăn chặn những video có nội dung nhảm nhí, giật gân không phải chỉ của các cơ quan chức năng mà đây là việc cả xã hội cần vào cuộc để quản lý và xử lý. Ngoài ra, phải kết hợp việc tuyên truyền giáo dục với sử dụng hiệu quả luật An ninh mạng trên các kênh mạng xã hội để quản lý các video. Cần áp dụng một chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe”, bà Hồng nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Ánh Hồng, nếu vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh bằng tiền và xóa kênh khi có hành vi tái phạm. Mức phạt hiện nay còn quá nhẹ, không phù hợp và không đủ sức răn đe. Những kênh Youtube này mỗi tháng kiếm cho chủ nhân từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhờ các video lệch chuẩn. Do đó nếu mức xử phạt nhẹ họ có thể khiến họ bất chấp, tiếp tục tái phạm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) – cho rằng, với những nội dung trái với thuần phong mỹ tục, khi phát hiện cần phải nhắc nhở góp ý và xử phạt nghiêm để họ ý thức được việc họ đang làm.
“Toàn xã hội cần có sự giám sát, cha mẹ cần quản lý các con chặt chẽ hơn và cơ quan chức năng sát sao hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, cần xem xét nâng mức xử lý vi phạm đối với những hành vi này, đặc biệt là việc tái phạm. Thời gian qua, mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền. Những nội dung đi ngược với giá trị văn hóa, nhân văn, thẩm mỹ sẽ khiến giới trẻ hình dung lệch lạc về thế giới, về cách người khác trong xã hội ứng xử với nhau. Nếu trẻ em chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin những gì mình xem và làm theo để thể hiện mình chứ không nghĩ là mình đang đi ngược với chuẩn mực”, ông Đức nhấn mạnh.
Cần mạnh tay xử phạt hành vi đăng tải video nhảm nhí
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội ) cho rằng, cần phải mạnh tay hơn nữa đối với các chủ tài khoản mạng xã hội coi thường pháp luật, đưa các thông tin nhảm nhí lên mạng xã hội.
Tài khoản Hưng vlog được biết là một tài khoản Youtube liên tục vi phạm về vấn đề phát triển nội dung không phù hợp trên không gian mạng, và đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
“Tài khoản này có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc qua clip “Nấu cháo bằng cả con gà còn nguyên lông” và Hưng bị xử phạt tiền 7,5 triệu đồng. Thế nhưng đến nay Hưng vlog tiếp tục có hành vi vi phạm trên không gian mạng, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, cụ thể là đăng clip “Dạy cách trộm tiền trong heo đất” do đó người này có thể bị áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường phân tích thêm, nội dung clip của Hưng vlog sẽ có tác động xấu đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Bởi vậy, cần ngăn chặn, loại bỏ những nội dung và tài khoản nhảm nhí như thế này để làm trong sạch môi trường mạng.
“Mặc dù pháp luật có những quy định, biện pháp răn đe, xử lý và các trang mạng xã hội như Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn có rất nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong,
mỹ tục “lọt lưới” kiểm duyệt và thu lợi. Có thể do chính những người phát triển nội dung trên mạng cũng không hiểu biết pháp luật nên không kiểm soát được hành vi của mình.
Bởi vậy, trong khi chờ một biện pháp quyết liệt hơn từ phía những công ty công nghệ hay nhà quản lý mạng xã hội thì mỗi người dùng cần tự bảo vệ mình khỏi những nội dung độc hại, phản cảm từ không gian mạng. Các gia đình có trẻ em nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó”, luật sư Cường đưa ra giải pháp.