Một vấn đề về lạm phát được người dân quan tâm nhất là giá xăng dầu. Đặc biệt đối tượng thu nhập thấp trong xã hội, việc tăng thuế xăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ, do đó cần chú ý đến các biện pháp thuế công bằng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc tăng biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2019.Theo đó, thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).
Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Giá xăng dầu tăng đẩy lạm phát vượt mốc 4%.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định giá nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ là yếu tố bất lợi cho lạm phát năm 2019.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cho biết, lạm phát cao hơn cùng kỳ, lạm phát lõi tăng.
Theo đó nối tiếp đà tăng của Quý 2, lạm phát vẫn được giữ ở mức cao trong Quý 3/2018. Sau khi tăng cao lên 4,67% vào tháng Sáu, lạm phát toàn phần đã suy giảm nhẹ trong Quý 3 và duy trì ở mức 3,98%.
Tuy nhiên, mức lạm phát này cũng đã cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017 khi lạm phát chỉ tăng lần lượt 2,52%; 3,35%; 3,40% trong ba tháng Quý 3/2017.
Quý cuối cùng của năm 2018 khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng có khả năng sẽ vượt quá mốc 4%. Một tín hiệu cho thấy khả năng này là giá xăng đã tiếp tục tăng mạnh từ chiều ngày 06/10/2018.
Nguồn: Tính toán của VEPR
Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,57%. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự gia tăng của CPI trong năm nay là giá lương thực, thực phẩm phục hồi mạnh so với năm 2017. Sau khi chạm mức đáy trong vòng 30 năm, giá thịt lợn trong năm 2018 đã phục hồi rất mạnh do mất cân đối cung-cầu khi nhiều hộ chăn nuôi đã bỏ nuôi lợn sau khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái.
Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lợn hơi Quý 3 đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, các dịch vụ công đóng góp lớn cho sự gia tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2018. Cụ thể,việc các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BHYT của Bộ Y tế đã làm cho giá mặt hàng này tăng tới 18,26% và làm CPI chung tăng 0,71%. Trong khi đó, việc các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cũng làm CPI nhóm hàng giáo dục tăng 7,02% và tăng CPI tổng 0,36%.
Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới. Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây.
Tuy nhiên thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao.
Thanh t/h