Sau khi rừng Việt Nam cạn kiệt thú hoang, rừng Lào trở thành nguồn cung cấp thịt rừng cho thực khách Việt.
Động vật hoang dã bị giết từng ngày
Người Lào có lẽ đã nhìn thấy hiểm họa chọc tiết rừng già, cạo trọc núi đồi, truy sát thú rừng, nên đã bắt đầu quyết liệt ngăn chặn. Ở Lào, bây giờ cũng khó kiếm được hổ, gấu, báo hoa hay hươu, nai, cầy, cáo. Nhưng, khó không có nghĩa là không có.
Mấy năm trước, chúng tôi từng có dịp sang Lào đúng tết Té nước – cái tết mà người Lào ăn chơi như tết Nguyên đán của ta. Chúng tôi bị ám ảnh bởi phiên chợ thú rừng ở thị xã của tỉnh Phôn Sa Vẳn. Anh bạn người Lào dẫn vào, góc chợ bốc mùi thum thủm. Qua khu bán thịt heo, cá, thịt bò, đến dãy bàn phủ đầy vải nhàu nhĩ. Thoạt trông như vừa có thảm họa và các thây người nằm đó, bởi ở mép vải là gương mặt râu ria, mõm nhọn hoặc nhe răng của nhiều loài thú hoang, máu me bê bết, đen thẫm lại.
Động vật hoang dã được bán gần như công khai ở rất nhiều chợ trên đất Lào
Nhiều con thú đã bị thui vàng, vài vết nứt hình ngôi sao ở da, chủ hàng bảo, đó là vết đạn bắn. Và đó là “chứng chỉ” về món “hàng rừng” xịn, bán giá cao. Không hiểu sao, con thú nào khi chết cũng khum hai “tay” trước ngực như đau đớn cầu xin.
Chúng tôi còn đang choáng váng thì các bà bán hàng đồng loạt lật vải lên. Con nai nằm sóng soài, con khỉ đã cạo lông nằm như thây người trần truồng. Hãi hùng nữa là các “thi thể” kia đều đã bốc mùi. Anh bạn người Lào tên Koong Kéo giải thích: “Người Lào có hai nhánh khẩu vị, một nhánh ăn thú rừng tươi sống, nhánh nữa lại thích ăn thịt động vật đã bắt đầu phân hủy. Nhiều cộng đồng còn chôn con vật xuống đất một thời gian nhất định rồi đào lên ăn”.
Bây giờ, chúng tôi bắt đầu chuyến đi mới, xuyên nhiều vùng lãnh thổ của Lào. Trước đó, khi ghé huyện lỵ Mộc Châu (tỉnh Sơn La), qua những người bạn, chúng tôi lấy được thiện cảm của một tay buôn thú rừng xuyên Bắc Lào, tên là Vì Văn Dám, người dân tộc Thái, sống ở Lào nhiều hơn ở nhà. Anh ta chạy xe tải chở sang Lào cá đông lạnh, thức ăn chăn nuôi, gạo muối, từ Lào về thì giấu “hàng rừng” trong chính chiếc xe đó. Dĩ nhiên, phải “lót tay” để qua các cửa ải kiểm soát. Chúng tôi theo Dám lên đường.
Miền đất huyền thoại với “cô gái Sầm Nưa” chỉ cách biên giới Mộc Châu 150km. Đêm đầu tiên bên kia biên giới, chúng tôi lang thang ở thị xã Sầm Nưa. Có người bảo, người Việt sang đó nhiều, đã “kích cầu” cánh thợ săn và cả thị trường giết hại động vật hoang dã. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng cánh lái xe đi cùng chúng tôi kể, họ chở khách từ bến xe Nước Ngầm của Việt Nam sang Hủa Phăn, U Đom Say của Lào. Sang đến nơi, thuê nhà trọ nghỉ vài ngày.
Lúc ngủ ở xóm của người Lào, các thợ săn thường xuyên bắn gấu, cắt bốn cái tay chân, đi qua, giơ máu me lông lá đen kịt vào cửa sổ hỏi “mua không”. Mật gấu, tay gấu đen nháy được bày bán, có khi ven đường từ Xiêng Khoảng qua Vang Viêng, lên Luang Prabang. Người Lào nhân ái, mộ Phật nhưng lại xẻ thịt rừng và thú rừng không kém các nước châu Á khác như kiểu Việt Nam, Trung Quốc.
Giấu thú rừng dưới phản thịt heo
Dám rủ chúng tôi đi thăm mấy phụ nữ vừa là bạn, vừa là “mối hàng” của anh ta. Nường là phụ nữ trạc ba mươi tuổi, bán thịt heo trên cái phản bê tông khá rộng, có giẻ lau, khăn phủ chống ruồi muỗi, bụi bặm. Nường bảo, khăn, giẻ để ngụy trang cho thịt thú rừng phía dưới: “Bây giờ cán bộ hay đi bắt, thu giữ, họ đem về ăn còn đỡ tiếc, chứ thợ săn đi cả đêm, sáng ra vừa ném một con hoẵng hai mươi cân xuống sàn chợ, chưa kịp xẻ đã bị tịch thu đem đốt mất, tiếc lắm”.
Khi chúng tôi vừa đến chợ, Nường đã hỉ hả cười, gạt toẹt đám thịt heo khô queo vì nắng sang một bên. Cái quạt điện nhỏ buộc mấy cọng ni-lông cứ kẽo kẹt quay năm này qua năm khác trước mặt Nường. Đó là dụng cụ để đuổi ruồi cho các phản thịt mà chợ quê ở Lào và Việt Nam dùng khá phổ biến. Nường cúi xuống, dồn hết sức bê lên phản một đùi nai, hai đùi hoẵng. Tôi thấy bên dưới phản là mấy con cầy hương, cả đàn dúi đã bị vặt lông, thui vàng.
Tay gấu trong khu bếp của nhà hàng
Riêng mấy con don, nhím thì vẫn tua tủa lông nhọn hoắt. Tất cả đều như đang “chắp tay” trước ngực. Nường hỏi cỗ xe đông lạnh của Vì Văn Dám đâu, sao lại đi ô tô bảy chỗ thế kia (xe chúng tôi thuê tại Mộc Châu), vì Nường đã quen với những lần đi buôn của Dám, xe tải của anh ta thường là nơi chất lũ thú rừng này rồi đi xuyên quốc gia. Dám tiết lộ rằng, cán bộ hai bên đã quen mặt mình, họ cũng ngại bới xe hàng ra. Quan trọng là Dám biết điều, không một mình hưởng lợi từ cuộc chở “hàng rừng” đầy lợi lộc ngược về Sơn La ấy.
Những ngày ở Lào, chúng tôi mới “thấm” sự nhẫn nại của cánh thợ săn. Có khi, họ đứng ở một vách núi cả chục ngày, rình cái khe đá hẹp có con gấu đi qua để bắn. Có khi rình nửa tháng nó chưa đi qua, họ vẫn kiên trì. Hết bắn, người ta còn bẫy gấu. Con gấu đang đi thì dính phải bẫy, nó bị dây phanh xe máy thít vào tay, cột vào gốc cây to. Gấu tức lắm, nó nghiến răng, vung tay “vả” vỡ toác cả cây, mà rồi vẫn chẳng thoát nổi.
Có khi họ đào con dúi, cái loài hiền khô và chỉ thích có mỗi món măng rừng. Thợ săn nghĩ kế đào hang sâu đến ngực, rồi xác định hướng dũi hang trốn chạy của dúi trong lòng đất. Họ cử người đứng trên mặt đất dùng các tấm tôn nhọn và to đóng xuống đất đồi núi, đón lõng. Dúi húc đầu, cọ răng vào tôn, thế là… chịu chết. Có những ban mai, thợ săn cõng cả con thú về qua bản rồi xuống chợ trong sương mù bảng lảng. Lúc ấy, Nường còn nấn ná trong chăn ấm, chưa muốn mở sạp hàng.
“Săn voọc là dễ nhất, bọn này hay ăn hạt quả, có loài chỉ ăn quả cây móc. Thợ săn cứ khăn gói quả mướp, cơm nắm, muối vừng nằm khểnh dưới gốc cây có quả chín vàng mà đợi. Đến khi voọc, vượn loách choách kéo bầy đến là bắn. Có khi bặt một lúc “rụng” cả chục con. Mà bọn vượn dại lắm
, trước khi đến còn hú vang” – một thợ săn kể khi đã ngà ngà dăm chai bia.
Rất khó để hình dung đây là một con hổ
Những khu chợ bán thịt thú rừng
Náo nức nhất là chợ thịt rừng ở Xiêng Khoảng. Dọc đường, gà rừng sặc sỡ, sải cánh hoa mơ dài rộng, lông dày sụ. Chúng bị bẫy, bị bắn chết, nằm ở các bờ rào tre. Bà con treo ở đó, khách đi qua thì bỏ tiền mua. Không ai mua thì chiều muộn, chủ nhà đun nước sôi làm thịt.
Lũ dúi còn được bán cả lồng, trói chân treo ngược lên cành cây. Con vật hiếu động cứ xoa xoa hai bàn tay bé xíu với các ngón không lông lá. Con dúi như đứa trẻ, nó cắn móng tay, mút tay, co tay trước ngực đầy tinh nghịch. Mà mỗi con dúi, tính ra tiền Việt Nam, chỉ năm chục ngàn đồng.
Ở chợ Phôn Sa Vẳn, chúng tôi chứng kiến cả cỗ xe tải, trong đó la liệt các lồng bé đan ô mắt cáo, mỗi lồng một, hai con dúi. Từng con hoẵng nguyên lông, nguyên các vết đạn khoét sâu vào thịt được ném uỵch ra sàn chợ, trên một bao tải xác rắn. Có con, khi bán, họ bày luôn ra đĩa cái cân tạ, khách xem nhìn cân mà trả tiền, khỏi nói thách hay mặc cả. Hoẵng lớn, hoẵng bé, nai hay hươu bị giết, hầu hết do trúng đạn của thợ săn và bỏ chạy đến khi kiệt sức.
Các đầu nậu nhiều khi muốn để nguyên lông và nội tạng con vật, nên cứ thế bỏ vào tủ đông chờ khách, vì phải có mối quen, họ mới khiêng “hàng rừng” ra. Những con cầy, cáo thì họ thui vàng. Lúc đó, các vết đạn làm thủng, làm vỡ da bắt đầu lộ. Chủ hàng chỉ vào các vệt vỡ hình tròn, hình ngôi sao hoặc lõm sâu mà cam kết: “Xẻ chỗ này ra là có viên đạn chì. Đích thị là thú rừng nên hơi đắt đấy nhé”.
Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Vang Viêng, Luang Prabang, U Đom Say, Luang Nậm Thà, Bò Kẹo… Tất cả các tỉnh của Lào mà chúng tôi đi qua, chợ “hàng rừng” đều hoạt động khá rôm rả. Nó để lại hình ảnh về sự tàn nhẫn của con người trước thiên nhiên – những hình ảnh sẽ đi theo chúng tôi có lẽ đến suốt đời. Ở Hủa Phăn, dân bản bắt cả rổ chim trời, buộc chúng lại với nhau thành từng dây dài. Mật gấu cả mủng, cái nào cái đó khô ron, thò ra cái cuống dài, trông như những cái túi có dây đeo.
Trong các phiên chợ ở Xiêng Khoảng, Luang Prabang, chúng tôi cũng gặp từng xâu chim lớn, đầy màu sắc, chúng bị buộc vào nhau thành vòng tròn. Có lũ chim còn bị vặt trụi lông khi vẫn đang sống.
Một thực tế là người Lào săn thú, bẫy chim và ăn thịt chúng khá… hồn nhiên. Có lẽ, từ thời thượng cổ, họ vẫn thế và muông thú không hề bị tuyệt diệt. Chỉ đến khi người Trung Quốc, người Việt Nam qua Lào nhiều hơn, sự giao thương và các cỗ xe tải đông lạnh buôn thú rừng kiểu Vì Văn Dám chạy ào ào hằng ngày, hằng giờ, nên nhu cầu của “khách xa” đã vô tình “kích cầu” đám thợ săn và con buôn bản xứ. Họ lùng tìm, tăng giá chợ đen cho việc buôn bán hổ, gấu, báo, hươu, nai, khỉ, voọc, sơn dương… tạo ra một thị trường nguy hiểm và đặt thú rừng Lào trước đại họa tuyệt diệt.
Chúng tôi từng theo một đường dây buôn hổ, khỉ, vượn và sơn dương từ Lào qua Nghệ An, Hà Tĩnh. Cả đàn khỉ sống được nhốt cho khách chọn để giết mổ, vừa ăn uống, vừa nấu cao. Chủ hàng còn cho chúng tôi xem họ hàng nhà khỉ bị vặt lông, mổ sạch, cấp đông để đầy các tủ trữ lạnh. Nhà ông trùm có sẵn nồi nấu cao và liên tục đỏ lửa; cao hổ, cao khỉ đều nhận nấu. Hỏi mua khỉ, thậm chí mua hổ, chủ hàng còn cam kết có thể “ship” về tận nhà cho chúng tôi.
Thịt hổ có trong thực đơn nhà hàng
Khi đến biên giới Lào – Myanmar – Thái Lan, chúng tôi kết hợp với một tổ chức bảo vệ động vật vào các nhà hàng ở khu vực Tam Giác Vàng. Thịt gấu, thịt hổ đều có, thậm chí món thịt hổ còn được đưa cả vào thực đơn. Nhiều loài thú hoang dã được chụp ảnh, ép plastic, viết bằng tiếng Trung, bán công khai trong nhà hàng. Nếu không tận mắt chứng kiến, không chụp ảnh lại được, chẳng bao giờ chúng tôi dám tin lại có cả thịt hổ trong thực đơn trên đất Lào.
Tại khu Tam Giác Vàng thuộc lãnh thổ Lào, hàng chục con gấu bị nhốt trong những cái chuồng bẩn thỉu, chật chội. Cũng chừng đó hổ bị nuôi nhốt, có con bị bệnh, sạch trụi lông, trên mình nổi từng cục u. Trông đám hổ ấy, rất khó để nhận ra nó là… “chúa tể sơn lâm”. Lũ khỉ cũng bị đày đọa khổ cực, lông rụng từng tảng. Đó là một khu vực chuồng thú ghê rợn nhất mà chúng tôi từng gặp phải.
Ở Lào, còn có trang trại quây cả một thung lũng núi, nuôi hổ sinh sản rồi tìm cách tuồn về Việt Nam. Đó là đường dây siêu lợi nhuận, giá hàng tỷ đồng/con. Hổ tuồn về vùng Yên Thành, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), nên từng có chuyện lén nuôi hổ như nuôi chó trong nhà hay làm thịt hổ bán cho người Trung Quốc. Tiểu thương, gian thương người Việt ở nhiều khu chợ Lào vẫn mua bán ầm ĩ, tinh ranh. Vậy nên, động vật hoang dã và các loài quý hiếm ở Lào bị tận diệt hầu hết là do người nơi khác đến.
Cũng có nhiều người Lào “thức thời”, đi buôn thịt thú rừng. Cánh thợ săn nghèo thì thấy món lợi kếch sù từ săn thú nên đã luồn lỏi, bới tung các cánh rừng lên để đổi thú hoang lấy tiền. Đáng sợ là tình trạng bảo kê cho buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã ở Lào và các thị trường sát nách Lào. Hoang thú đang rên xiết dưới họng súng, dưới những hàm răng phàm ăn của người đời. Nếu không có một bàn tay thép liên quốc gia ngăn chặn hiệu quả các đường dây trên, chẳng bao lâu nữa, muông thú của nước bạn Lào cũng sẽ như Việt Nam, Trung Quốc, tất cả chỉ còn trong huyền thoại.