Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua chỉ mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả.
Nhiều sai phạm trong lĩnh vực liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế
Nội dung này được Thanh tra Chính phủ đề cập trong văn bản phúc đáp các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Cử tri nhiều địa phương (Hải Phòng, Thái Bình, Bến Tre) trước đó đề cập đến việc liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Cử tri kiến nghị tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng trả lại Nhà nước và nhân dân.
Theo cử tri TP.Hải Phòng, một dự án khi triển khai phải theo nguyên tắc công khai giá thiết bị, thủ tục đấu thầu và có rất nhiều quy trình với sự tham gia của nhiều cơ quan. Song vừa qua đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh, như vụ việc ở trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai. Cử tri còn dẫn chứng trường hợp công ty cổ phần công nghệ y tế BMS chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh, thành với giá trị từ vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng.
“Phải chăng có vấn đề từ công tác quản lý của Nhà nước? Đó là sự sơ hở của pháp luật hay là sự thông đồng, tiếp tay của các cán bộ có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng”, cử tri Hải Phòng đặt vấn đề và đề nghị Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ, bộ Y tế rà soát, thanh tra toàn bộ dự án lớn trong lĩnh vực này.
Giải đáp các kiến nghị, Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đã tiến hành thanh tra diện rộng liên quan tới vấn đề này trong các năm 2018 và 2019. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành một số cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ thanh tra trực tiếp tại bộ Y tế và một số bệnh viện trực thuộc; 63 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh. Cuộc thanh tra đã kết thúc và cơ quan này đang xây dựng dự thảo kết luận thanh tra. Các địa phương cũng đã kết thúc thanh tra chuyên đề diện rộng theo chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo kết quả.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại nhiều địa phương, tỷ lệ gói thầu thực hiện mua sắm theo hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh lên tới 90%.
Còn quá nhiều lỗ hổng trong chỉ định thầu
Liên quan đến chỉ định thầu mua sắm vật tư y tế, trước đó, tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH Võ Thị Như Hoa (TP. Đà Nẵng) cho rằng, Do cần xem xét đánh giá để tìm ra lỗ hổng trong quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước dẫn tới các sai phạm đáng tiếc vừa qua.
Theo quy định của luật Đấu thầu, trong một số trường hợp nhất định có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu để xử lý các vấn đề cấp bách của xã hội. Theo đó, việc chỉ định thầu có thể được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là hết sức cấp bách. Do đó, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu để chọn nhà thầu cung cấp máy xét nghiệm vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 luật Đấu thầu, Điều 56 Nghị định 63/2014 của Chính phủ thì gói thầu mua thuốc hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Về quy trình, chỉ định thầu rút gọn, Điều 56 Nghị định 63 của Chính phủ quy định là chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có năng lực thực hiện ngay gói thầu.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Võ Thị Như Hoa, quy định này sẽ đáp ứng được việc xử lý yêu cầu cấp bách nhưng lại tạo ra quá nhiều lỗ hổng khi giao toàn quyền quyết định cho chủ đầu tư và lại thiếu cơ chế giám sát, kiểm soát việc chỉ định thầu. Điều này dẫn đến thực tế là các địa phương chỉ định thầu mua cùng chủng loại vật tư y tế nhưng lại khác nhau về giá và đặc biệt là quá chênh lệch so với giá thị trường. Việc mua sắm thiết bị là cấp bách nên cần phải nhanh chóng thực hiện việc chỉ định thầu nhưng không thể bỏ qua hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đặc biệt không thể làm sơ sài, gây thất thoát ngân sách. Đó là chưa nói đến việc xảy ra tiêu cực.
“Các bộ, ngành liên quan cần sớm tham mưu cho Chính phủ xem xét lại quy định này để sửa đổi cho phù hợp nhằm đảm bảo việc chỉ định thầu được thực hiện một cách chặt chẽ, tránh phát sinh tình huống tương tự trong thời gian tới. Tôi đề nghị cần phải quy định một số điều kiện nhất định để chỉ định lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ. Ví dụ như phải có đánh giá thẩm định kỹ lưỡng đề xuất của nhà thầu, phải có cơ quan chức năng cập nhật giá để làm cơ sở cho việc tham khảo so sánh. Việc cho phép giao cho nhà thầu thực hiện ngay gói thầu mà thiếu đánh giá xem xét các điều kiện như quy định hiện nay dễ dẫn đến việc lựa chọn tùy tiện phụ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan của chủ đầu tư”, ĐBQH Võ Thị Như Hoa nêu quan điểm.
Đấu thầu mua sắm thiết bị y tế chỉ m
ang tính hình thức
Về việc tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, Thanh tra Chính phủ nhận định tất cả bộ, địa phương đều có thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về mua sắm, đấu thầu từ bước lập kế hoạch, đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng. Trong đó, vi phạm chủ yếu xảy ra tại bước lập giá kế hoạch gói thầu và thẩm định giá.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc đề xuất danh mục mua sắm, cấu hình kỹ thuật rất chi tiết chỉ có hãng/loại sản phẩm đó có, dẫn đến không có cạnh tranh và đẩy giá thiết bị lên rất cao. Cơ quan này đánh giá việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế vừa qua “chỉ mang tính hình thức, hiệu quả rất thấp hoặc không có hiệu quả”.
N.Giang (T/h)
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật