Nếu phiên bản phim Tây Du Ký 1986 từng gây tiếng vang lớn thì phiên bản năm 1927 cũng từng khiến dư luận “sốc nặng” với loạt “cảnh nóng” tới mức bị cấm chiếu ngay sau 1 tập.
Tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân là một trong những danh tác kinh điển của Trung Quốc, viết về hành trình đi Tây Thiên thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng.
Theo đó, tác phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng và nhiều lần được chuyển thể thành phim truyền hình.
Trong đó có một phiên bản cũng từng khiến dư luận “sốc nặng” với loạt “cảnh nóng”, không phù hợp với thuần phong mỹ tục tới mức bị cấm chiếu chỉ ngay sau 1 tập. Đó là phiên bản Tây Du Ký năm 1927 mang tên “Động Bàn tơ”.
Được biết, thời điểm ấy vì cốt truyện gốc khá phức tạp, có nhiều chương hồi nên đoàn làm phim năm 1927 chỉ chọn là một kiếp nạn để đưa lên màn ảnh là chuyện Đường Tăng bị các yêu tinh nhện bắt vào Động Bàn tơ.
Thời điểm năm 1927, công nghệ làm phim nghèo nàn hơn nhiều so với năm 1986 nên các cảnh phim chỉ được dựng màu đen trắng, kỹ thuật thô sơ và không có lời thoại. Do đó, các diễn viên phải diễn tả nội dung bằng ngôn ngữ hình thể và cảm xúc trên gương mặt.
Trong cảnh này, các yêu tinh nhện ăn mặc hở hang, chỉ có độc một chiếc áo yếm và thậm chí còn hở rốn. Dù được đánh giá là khá sát với miêu tả trong nguyên tác ban đầu nhưng khi lên màn ảnh, phân đoạn này bị nhận xét là có nhiều “cảnh nóng” quá mức, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Trung Quốc thời bấy giờ.
Chưa hết, vì là phim đen trắng nên tạo hình các nhân vật cũng có phần đáng sợ hơn. Đặc biệt là nhân vật Trư Bát Giới, nhân vật này mang khuôn mặt của lợn rừng, trông vô cùng dữ tợn và gây ám ảnh tới người xem.
Những điều này đã khiến phần phim “Động Bàn tơ” bị cấm chiếu ngay sau khi lên sóng 1 tập do nhận được quá nhiều phản hồi tiêu cực từ khán giả. Phiên bản năm 1927 đã rơi vào quên lãng và không được ai biết đến trong thời gian dài. Mãi tới năm 2013, Thư viện Quốc gia Na Uy đã phát hiện ra bộ phim “Động Bàn tơ” trong lúc rà soát lại 9.000 cuộn phim cổ được lưu trữ.
Đây được biết là bản sao duy nhất còn sót lại của bộ phim, phía Na Uy cho biết nhiều thước phim bị hư hỏng nặng và họ phải phục chế lại khá nhiều trước khi trao trả lại cho Trung Quốc.
Minh Hạnh (T/h)