Bộ phim Tây Du Ký 1986 dù được sản xuất khi kỹ xảo và công nghệ còn thô sơ, lạc hậu nhưng vẫn khiến không ít khán giả thích thú khi hé lộ các cảnh hậu trường.
Tây Du Ký 1986 dù không phải bản phim đầu tiên được chuyển thể nhưng lại là phiên bản nhận được sự yêu mến và ủng hộ nhất đến từ khán giả. Góp phần làm nên thành công của bộ phim không chỉ có diễn xuất và kịch bản mà còn bởi sự sáng tạo của ê-kíp khi sáng tạo các cảnh quay.
Theo đó, vì thiếu kinh phí và công nghệ còn lạc hậu nên nhiều phân đoạn được dàn dựng cực thô sơ nhưng khi lên hình lại “đánh lừa” khán giả. Nhiều người khi xem đoàn làm phim hé lộ hậu trường ghi hình đã phải bật cười nhận xét kỹ thuật làm phim tới Hollywood cũng phải “chào thua”.
Tôn Ngộ Không lướt ván trên Thiên đình
Để tạo nên cảnh sương mờ huyền ảo như trên Thiên đình, đoàn làm phim đã phải sử dụng băng khô tạo khói. Điều này khiến không ít diễn viên từng bầm dập, thậm chí còn tím tái chân vì lạnh. Vốn là một con khỉ tinh nghịch nên vai diễn Tôn Ngộ Không đòi hỏi diễn viên phải nhanh nhẹn, hoạt bát hơn so với những nhân vật còn lại.
Theo đó, để tạo điều kiện cho Lục Tiểu Linh Đồng làm tròn vai nhất, ê-kíp đã “sắm” riêng cho ông một tấm ván trượt để vừa đỡ bị lạnh chân, vừa có thể di chuyển nhanh “thoăn thoắt” như ý muốn. Trong một số phân đoạn như khi Thái Bạch Kim Tinh đưa Ngộ Không đi tiêu diệt yêu quái, nhiều khán giả cũng đã tinh mắt nhìn ra đạo cụ đặc biệt của hầu tử lấp ló trong làn khó Thiên đình.
Bất ngờ bí mật Long cung
Đạo diễn Dương Khiết đã khiến khán giả nể phục bởi tài năng và sự sáng tạo đặc biệt của mình trong quá trình sản xuất bộ phim Tây Du Ký. Một trong những cảnh quay đặc sắc, khiến khán giả ấn tượng nhất trong bộ phim chính là cảnh Long cung.
Lên hình hoành tráng nên không ít người cho rằng chi phí dựng cảnh Long cung vô cung đắt đỏ. Tuy nhiên, trái với suy đoán của dư luận, thực tế đạo diễn Dương khiết lại dựng cảnh Long cung nhờ một chiếc bể cá.
Cụ thể, đạo diễn Dương Khiết chỉ đạo đoàn làm phim đặt một chiếc bể cá trước ông kính và tạo bong bóng bên trong bằng một chiếc ống hút. Điều này đã khiến cảnh quay dưới long cung trở nên chân thật mà lại vô cùng tiết kiệm, không tốn kém quá nhiều chi phí và công sức chỉnh sửa.
Bạch Cốt Tinh thực chất chỉ là những hình nộm giấy
Trong hành trình đi Tây thiên lấy kinh, thầy trò Đường Tăng đã gặp phải không ít yêu quái lợi hại, trong đó, không thể không nhắc tới Bạch Cốt Tinh.
Với khả năng biến hoá khôn lường, Bạch Cốt Tinh có thể trở thành một cô gái trẻ nhưng cũng chỉ trong chớp mắt hoá thành người mẹ đi tìm con hay ông bố ở nhà một mình. Ả ta đã khiến Tôn Ngộ Không phải vô cùng chật vật, đánh 3 lần mới tiêu diệt được.
Sau mỗi lần bị đánh bại, hồn của ả sẽ thoát ra, lơ lửng trên không trung 1 lúc rồi biến mất. Trên phim trông mờ ảo, ma mị như thế nhưng thực tế, để dựng cảnh phim này, ê-kíp đã sử dụng một “bảo bối” cực đơn giản mà không ai ngờ tới.
Không phải những kỹ xảo máy tính hay công nghệ “đắt đỏ”, đoàn làm phim đã tự mình cắt giấy làm hình nộm bay lơ lửng trước ống kính máy quay. Dù đơn giản nhưng sau khi sản xuất, chỉnh sửa, cảnh quay này lại vô cùng đạt, khiến khán giả khó lòng nhận ra những linh hồn trên phim thực chất chỉ là giấy.
Minh Hạnh (T/h)