Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh – Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Mang thai 40 tuần, hay 38 tuần sau thụ thai đều thuộc tháng thứ 9 của thai kỳ. Sự phát triển của thai nhi trong 40 tuần đã hoàn chỉnh và sẽ không có nhiều thay đổi so với một tuần trước, ngoài trừ phần tóc và móng tay vẫn tiếp tục dài ra.
1. Sự phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi
- Thai nhi 40 tuần nặng bao nhiêu?
Không thể khẳng định chắc chắn cân nặng và chiều cao của một đứa trẻ sơ sinh bởi vì mỗi bé sẽ có kích thước rất khác nhau. Nhìn chung, một thai nhi vừa chào đời sẽ có trọng lượng khoảng 3,4kg và độ dài gần 56cm, tương đương với một quả bí ngô. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều trẻ sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh với khối lượng cơ thể lớn hoặc nhỏ hơn con số bình quân trên.
- Làn da của trẻ sơ sinh
Thông thường, mọi em bé đều được sinh ra với làn da có màu đỏ tím, sau đó da sẽ chuyển sang màu đỏ hồng trong khoảng một vài ngày. Tông màu đỏ hồng bắt nguồn từ các mạch máu có thể được nhìn thấy qua làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tay và chân của bé có thể hơi xanh vì tuần hoàn máu vẫn đang trong giai đoạn trưởng thành, chưa có đủ oxy và hồng cầu. Trong 6 tháng tới, làn da của bé sẽ trở về màu sắc thật và cố định đến khi trưởng thành. Mặt khác, lớp sáp bã nhờn bao phủ khắp cơ thể thai nhi, hoạt động như một loại kem dưỡng ẩm, hiện tại đã tan biến. Chính vì thế, làn da của trẻ sơ sinh có thể bị khô tại một số vị trí ngẫu nhiên.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Sự phát triển của thai nhi trong 40 tuần dựa vào hoạt động đặc biệt của nhau thai. Ở thời điểm cuối của thai kỳ, nhau thai vẫn không ngừng cung cấp các kháng thể giúp bé chống lại nhiễm trùng trong 6 tháng đầu đời sắp tới. Nếu như mẹ có kế hoạch cho con bú, sữa mẹ sẽ tiếp tục cung cấp cho bé nhiều kháng thể hơn để tăng cường hệ miễn dịch. Trong đó, sữa non – dòng sữa đầu tiên và có màu vàng đặc biệt siêu giàu kháng thể, vì vậy cần cho bé bú sữa non của mẹ trong những ngày sau sinh.
- Tầm nhìn của trẻ sơ sinh
Thứ đầu tiên bố mẹ muốn nhìn thấy sau khi bé chào đời có lẽ bộ phận quyết định giới tính chính xác của trẻ. Ngoài ra, trên cơ thể của bé vẫn còn sót lại một ít máu, sáp bã nhờn, một ít lông tơ và nước ối. Trong khi đó, từ góc nhìn của bé có thể trông thấy hình ảnh của mẹ khá mờ nhạt, do tầm nhìn của trẻ sơ sinh chỉ tập trung được với khoảng cách tương đương 2,5cm. Tuy nhiên thị giác của bé sẽ sớm cải thiện trong thời gian sắp tới.
- Nói chuyện với thai nhi vừa chào đời
Bố mẹ đừng quên trò chuyện với con ngay từ bé vừa mới được sinh ra. Sự phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi có thể giúp trẻ sơ sinh nhận biết âm thanh phát ra từ những giọng nói quen thuộc của người thân.
- Tư thế nằm của bé sau sinh
Những ngày đầu sau sinh, nhiều khả năng bé vẫn nằm cuộn tròn trong tư thế của thai nhi như chín tháng vừa qua. Phải mất một thời gian để trẻ có thể nằm thẳng và thoải mái hơn. Đây cũng là lý do giải thích cho việc nhiều trẻ sơ sinh thích được quấn trong những chiếc khăn hoặc tã, hành động này khiến bé có cảm giác quen thuộc và ấm áp như đang ở trong tử cung của mẹ.
- Thai nhi 40 tuần gò nhiều
Mẹ nên chú ý đến cử động của bé và cho bác sĩ sản khoa biết ngay nếu không nhận thấy thai nhi 40 tuần gò nhiều. Em bé lúc này sẽ liên tục hoạt động cho đến ngày sinh, do đó nhiều nguy cơ sẽ có vấn đề xảy ra khi hiện tượng thai nhi 40 tuần gò nhiều bị giảm cường độ.