Sóc Sơn tạm dừng chấm dứt hợp đồng để chờ xét đặc cách, giáo viên huyện khác “mỏi mắt” chờ

Khi UBND huyện Sóc Sơn vừa có văn bản chỉ đạo tạm dừng chấm dứt hợp đồng, sắp xếp lại lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ chỉ đạo của cấp trên về việc xét tuyển đặc cách, thì hàng trăm giáo viên tại nhiều huyện Ba Vì, Hoài Đức… lại “mỏi mắt” chờ cơ chế “mở”.

Sóc Sơn tạm dừng chấm dứt hợp đồng chờ xét đặc cách

Theo công văn do Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh ký ngày 20/12: Ngày 5/11/2019, UBND huyện đã ban hành thông báo số 5134 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn đang công tác tại các trường tiểu học,THCS công lập trên địa bàn huyện từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 5/11/2019, bộ Nội vụ có văn bản số 5378 về việc tuyển dụng đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Theo đó, UBND huyện Sóc Sơn đang thống kê, tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động.

Vì vậy, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS công lập trên địa bàn tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên theo văn bản 5134 đã ban hành trước đó.

Đồng thời, lãnh đạo các trường phải sắp xếp lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn.

Trước đó, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách. Trong số các điều kiện xét đặc cách, có yêu cầu giáo viên vẫn đang ký hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; đồng thời, có thời gian ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/5/2015.

Để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, sở Nội vụ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập thực hiện các nội dung như:

Rà soát, thống kê và xác định số lượng giáo viên hiện có, số giáo viên thiếu so với biên chế giáo viên được giao;

Sóc Sơn đã tạm dừng chấm dứt hợp đồng, tạo cơ hội cho hàng trăm giáo viên.

Thống kê, lập danh sách giáo viên thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách quy định tại công văn 5378 của bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Cụ thể: có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; là đối tượng hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng (theo quy định của bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn, chức danh, khung mục vị trí việc làm).

Sở Nội vụ TP.Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã gửi báo cáo thống kê về sở Nội vụ trước ngày 21/12/2019.

Hàng trăm giáo viên huyện khác vẫn “mỏi mắt” trông

Trước đó, tại huyện Sóc Sơn, 256 giáo viên hợp đồng cũng đã nhận được thông báo số 5134 của UBND huyện về việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên từ 1/1/2020. Với việc UBND huyện Sóc Sơn vừa có công văn yêu cầu tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên để chờ chỉ đạo của TP.Hà Nội, 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đã có thêm hy vọng.

Bên cạnh đó, như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, Hà Nội đưa ra điều kiện để xét đặc cách với giáo viên hợp đồng, trong đó có yêu cầu vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, khiến hàng trăm giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội sẽ không có cơ hội để được xét đặc cách, bởi họ vừa bị các trường, quận, huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng, hoặc đã nhận được thông báo sắp bị chấm dứt hợp đồng.

Theo thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, nguyên giáo viên hợp đồng giảng dạy môn Toán tại thị xã Sơn Tây cho biết, trong toàn thị xã đã có 53 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, huyện Ba Vì có 208 giáo viên tiểu học và THCS cũng bị huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng, trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách.

Đại diện cho hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tại hai địa phương này, thầy Tiến bày tỏ: “Chúng tôi băn khoăn và lo lắng vì trong công văn 3037 của sở Nội vụ Hà Nội có tiêu chí giáo viên đang giảng dạy hợp đồng tại các trường công lập. Thế nhưng chúng tôi đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng mặc dù chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vậy nếu bây giờ xét tuyển đặc cách, chúng tôi không đạt tiêu chí này thì quá thiệt thòi cho chúng tôi, sau khi đã cống hiến cả thanh xuân lẫn nhiệt huyết cho giáo dục xứ Đoài. Chúng tôi cũng băn khoăn tại sao trên toàn TP.Hà Nội chỉ có mỗi giáo viên hợp đồng ở huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển dụng viên chức Hà Nội năm 2019.

Nhiều thầy cô sau khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng đã phải làm đủ nghề để kiếm sống.

Khi bước vào năm học mới, do thiếu giáo viên nên các trường lại hợp đồng thỉnh giảng với chính các giáo viên vừa bị cắt hợp đồng. Điều này gây ra băn khoăn, lo lắng, khó hiểu của giáo viên hợp đồng chúng tôi
với cách làm này.

Chúng tôi thiết nghĩ giáo viên hợp đồng đã thiệt thòi quá nhiều, nay được các cấp lãnh đạo quan tâm xét đặc cách vào viên chức giáo dục nhưng lại không đạt tiêu chí này nên chúng tôi mong lãnh đạo thành phố có cơ chế riêng xét đặc cách cho chúng tôi, có thể chỉ xem xét hợp đồng giảng dạy tại các trường công lập đến năm học 2018- 2019; nhanh chóng cấp chỉ tiêu viên chức cụ thể cho các quận, huyện, thị xã và có quyết định bằng văn bản xét đặc cách giáo viên hợp đồng trên toàn thành phố.

Đã 10 tháng nay kể từ ngày 7/3/2019, Hà Nội có kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục đến giờ Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời chính thức với giáo viên hợp đồng khi đã có công văn chỉ đạo xét đặc cách của bộ Nội vụ. Hơn lúc nào hết, chúng tôi cho rằng, sau khi đã tổ chức kỳ thi xong xuôi, các quận, huyện, thị xã đã thông báo kết quả trúng tuyển rồi thì thành phố cũng nên có văn bản xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng trước tết Canh Tý 2020. Đó như món quà vô giá, đảm bảo quyền và lợi ích đối với giáo viên hợp đồng, vốn đã bị thiệt thòi nhiều trong thời gian vừa qua”.

Không chỉ hàng trăm giáo viên tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây bị chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức, nhiều giáo viên tại huyện Hoài Đức cũng đang hoang mang, vì trong khoảng thời gian từ năm 2015, có những lúc hợp đồng lao động chỉ được ký ba tháng một và không được đóng bảo hiểm. Thậm chí, nhiều giáo viên huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa chưa từng được đóng bảo hiểm mặc dù vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng. Việc này đã kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên.

Cô giáo D.T.V., một giáo viên môn Ngữ văn đã giảng dạy 18 năm tại huyện Hoài Đức chia sẻ: “Chúng tôi rất băn khoăn, vì có khoảng thời gian năm học 2016-2017, chúng tôi chỉ được ký hợp đồng ba tháng một. Đến tháng 1/2018, chúng tôi được ký hợp đồng đến hết tháng 5/2018, ngưng hợp đồng trong ba tháng hè, rồi mới tiếp tục được ký hợp đồng theo năm. Trong giai đoạn này, chúng tôi không được đóng bảo hiểm. Chính vì vậy, tôi thắc mắc, nếu xét tuyển đặc cách, chúng tôi có đủ điều kiện hay không?

Chính vì vậy, chúng tôi chỉ mong, giống như huyện Sóc Sơn, đã có sự “nới lỏng” những điều kiện “cứng”, chúng tôi chỉ mong thành phố cũng có chỉ đạo cụ thể, để có thể linh động hơn trong cơ chế xét tuyển để phù hợp với thực tiễn từng địa phương”.

Hàng trăm giáo viên tại nhiều huyện, thị xã vẫn chưa hết hoang mang cho số phận nghề giáo. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng ở địa phương khác như thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, Hoài Đức,… vẫn chưa có động thái gì để giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các giáo viên. Trong khi các trường đang làm thủ tục để chấm dứt hợp đồng với giáo viên thì vẫn chưa có công văn nào thu hồi hay tạm dừng thực hiện theo thông báo này. Điều đó khiến hàng trăm giáo viên nhấp nhổm như “ngồi trên đống lửa”, vì lo có nguy cơ không được xét đặc cách.

Related Posts

Những giáo viên “làm mưa, làm gió” mạng xã hội 2020

Điểm lại loạt thầy cô giáo gây chú ý nhiều nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận trong năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng Cô…

Read more

“ Chuyến xe yêu thương” Xuân Tân Sửu 2021 đưa người bệnh về quê đón Tết

Sáng 06/02, không khí tại sảnh bệnh viện Trung ương Huế náo nhiệt, đông vui hơn bao giờ hết. Hàng trăm người bệnh và người nhà với hành lý, đồ…

Read more

Hà Nội cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ ngày mai 1/2

Toàn bộ học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn 1 tuần (từ 1/2) trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hà Nội là…

Read more

Hòa Bình họp khẩn trong đêm, cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 1/2

Ngay sau khi phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức họp khẩn trong đêm để đưa ra các biện pháp…

Read more

Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học để phòng chống COVID-19

Bộ GD&ĐT có công văn điều chỉnh kế hoạch dạy học ở các địa phương để phòng chống dịch COVID-19. Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ…

Read more

Hà Nội: Hơn 600 trẻ mầm non nghỉ học vì liên quan tới F2 của BN 1553

Hơn 600 trẻ ở trường mầm non trên địa bàn Hà Nội được nghỉ học ngày 29/1 để khử khuẩn sau khi một bé tiếp xúc gần với ca nghi…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *