Đêm nay (21/12), 3 hành tinh là Trái Đất, sao Mộc và sao Thổ cùng nằm trên một đường thẳng – sự kiện 800 năm mới lặp lại.
Theo định vị tại TP HCM của trang Time and Date, mưa sao băng Ursids – trận mưa sao băng cuối cùng trong năm – sẽ rơi đạt cực đỉnh vào đêm 22, rạng sáng ngày 23 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên nó đã bắt đầu rơi từ ngày 17/12 và đến đêm nay (21/12) đã đủ đi vào giai đoạn “nặng hạt”, với khoảng 10 sao băng mỗi giờ.
Cái tên Ursids xuất phát từ tên chòm sao Ursa Minor, tức Tiểu Hùng Tinh, cũng là nơi mưa sao băng sẽ phát ra. Vì vậy để quan sát những ngôi sao băng đẹp nhất, hãy định vị chòm sao này. Tuy trông như bắn ra từ Tiểu Hùng Tinh nhưng thực chất các ngôi sao băng của Ursids chính là các vật thể nhỏ trong chiếc đuôi đá bụi của sao chổi 8P/Tuttle. Mỗi năm Trái Đất bay qua chiếc đuôi này 1 lần và tạo nên mưa sao băng.
Đêm 21/12 cũng là dịp đặc biệt. Theo NASA, đó sẽ là lần hiếm hoi 3 hành tinh Trái đất, sao Mộc và sao Thổ, vùng với Mặt trời, xếp trên một đường thẳng.
Tại điểm thẳng hàng, sao Mộc và sao Thổ sẽ gần với Trái đất nhất nên chúng trông rất to và rõ dù nhìn bằng mắt thường. Nếu như trong những ngày trước, sao Mộc và sao Thổ trông như một cặp đôi kỳ dị đang đứng cạnh nhau, rất gần thì trong đêm 21, nó sẽ gần như chập lại thành 1 hành tinh khổng lồ duy nhất.
Nếu thời tiết cho phép, hiện tượng này có thể dễ dàng nhìn thấy trên khắp thế giới sau khi mặt trời lặn một lúc.
Được biết, hiện tượng này diễn ra vào ngày đông chí ở Bắc bán cầu, ngày có đêm dài nhất trong năm và hạ chí ở Nam bán cầu, lại đúng vào thời điểm Giáng sinh, hứa hẹn sẽ là một trong những màn kết hợp thú vị.
Giáo sư thiên văn học David Weintraubm – Đại học Vanderbilt cho biết: “Điều hiếm gặp nhất là sự “hợp nhất” này xảy ra trên bầu trời ban đêm. Một sự kiện như vậy thường có thể xảy ra chỉ một lần trong đời của bất kỳ người nào và tôi nghĩ “một lần trong đời” là hiện tượng hiếm đáng để thưởng ngoạn”.
Để quan sát hiện tượng này, ngay sau khi mặt trời lặn vào thứ, hãy nhìn thấp về đường chân trời hướng Tây Nam. Sao Thổ sẽ là đốm màu nhỏ hơn, mờ hơn ở phía trên bên phải của sao Mộc. Nếu muốn nhìn tách bạch được hai ngôi sao thì phải quan sát bằng ống nhòm.
Lần “hợp nhất” tiếp theo của hai ngôi sao là vào ngày 15/3/2080.