Song Lang không phải là một bộ phim “đầy hàn lâm” mà ở đó, một Sài Gòn những năm bao cấp qua trò chơi của bọn nhóc, trong game mà cặp nam chính ngồi tranh hơn thua, cuộc sống của ông bà cha mẹ…hiện lên dung dị.
[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/08/22/SONG LANG – MOVIE CLIP – DŨNG & PHỤNG CÙNG NHAU CHƠI GAME.mp4[/presscloud]
Clip: Trích đoạn Song Lang: Dũng “Thiên lôi” và Linh Phụng cùng nhau chơi game.
Nếu bạn đã thưởng thức Song Lang chắc chắn sẽ không thể nào quên được câu thoại của Linh Phụng với Dũng “Thiên lôi” về việc du hành vượt thời gian: “Tôi tin người ta có thể vượt thời gian qua 3 cách: đồ vật, con người và nơi chốn!”. Xem những thước phim màu sắc hoài cổ khiến không ít khán giả 7x – 8x bất ngờ bởi sự tinh tế của ekip sản xuất khi có thể phục dựng và đặt để chính xác những vật dụng đúng với bối cảnh Song Lang những năm 80 của Sài Gòn. Cùng điểm qua loạt món đồ giúp bạn vượt thời gian cùng bộ phim nhé.
Lò xô (bếp dầu)
Chiếc bếp nấu nước sôi ở nhà Dũng chính là món đồ đặc trưng không thể thiếu trong gian bếp những năm đó. Bộ đôi bếp lò xô – cây rọi (cây mồi lửa) cùng mùi khói dầu hoả um cả một góc bếp khiến nhiều bạn trẻ không thể nào quên được. Xem những cảnh quay mới thấy Dũng “Thiên lôi” đã khơi gợi quá nhiều ký ức cho những người từng tiếp xúc với cái bếp dầu “khó ưa khó chiều” đó cùng cảm xúc bồi hồi: Có ai còn nhớ cái bếp dầu?
Gác-măng-giê (gạc-măng-rê, chạn bát)
Đây chính là biểu tượng trong góc bếp của bà, của mẹ. Tên gọi đặc biệt này bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp là garde-manger có nghĩa là tủ, chạn. Cái chạn chứa đựng cả một thời khốn khó, nó bình dị nhưng là vật không thể thiếu trong nhà cùng cái bếp củi hoặc bếp dầu, xoong nồi đen nhẻm, nấu cơm khói bay mù mịt. Cái chạn từ ấy cũng đi vào tiềm thức của tuổi thơ nên khi anh Dũng “Thiên Lôi” nhẹ nhàng lướt qua nó là khiến bao trái tim xao xuyến ngay.
Tiệm băng đĩa với những băng video, băng cassette
Nếu các bạn 9x đời sau nghiền ngẫm truyện Cô tiên xanh, Thần đồng đất Việt…thì 8x-9x đời đầu được “đeo bám” ba mẹ xem phim Hong Kong, được cảm giác ngồi quay băng để “tua” tới chỗ mình thích coi, mấy lúc băng hư thì y như rằng sẽ có cả cuộn dây băng mà đem cột chỗ này, buộc chỗ kia. Những năm tháng đó còn khiến bạn khó quên bởi cảm giác mê chơi nên vụt mất đoạn phim mình thích mà muốn xem lại phải đợi cả nhà xem xong mới được “tua băng” coi bù.
Máy điện tử băng
Cái thời mà tích cóp từng đồng tờ 200 để bám theo mấy anh chị lớn trong xóm ra tiệm điện tử chơi mấy trò trên máy game bốn nút chắc khó phai nhỉ. Cái khoảnh khắc mừng vui vì có tiền xen lẫn với lúc bị ba má la cho một trận té khói vì đi vào tiệm điện tử chắc đang khiến bạn cười khúc khích khi nhớ lại lúc này.
Những âm thanh đầy ký ức
Ngoài mấy bài hát thiếu nhi, còn được nghe ké ba mẹ mấy bản cải lương “sến rện” mà hồi đó nghe riết thành quen, thấy không sến mà lại hay. Giờ nghe lại chắc toàn ký ức về mẹ về bà thôi. Mà đâu chỉ mấy bài hát đó, những bài hát tuyên truyền cũng được nghe ra rả ở cái loa trên cột điện đầu ngõ hay tiếng các bác dân phố đi kêu gọi mọi người làm này làm kia cũng trở nên quen ơi là quen.
Bên cạnh đó, Song Lang vẫn còn rất nhiều món đồ khiến chúng ta không ngừng bồi hồi về một tuổi thơ đầy dữ dội từ bịch nước ngọt bằng nilon, xe Honda 67, đèn dầu,… hay những trò chơi đặc trưng của thời ấy.