Sách Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối…” của NXBGD: Phải sửa ngay, thưa Bộ trưởng!

Ngoài kiến thức nặng, nhiều bài trong sách Tiếng Việt 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống không phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhiều ngữ liệu tùy tiện, phản giáo dục.

Sách giáo khoa “rủa” trẻ em?

Vừa qua, nhiều tờ báo phản ánh hàng loạt “sỏi” (chứ không chỉ là “sạn”) tại các bộ sách giáo khoa (SGK) của nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam, đặc biệt là sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Cụ thể, cuốn sách sử dụng những ngữ liệu dễ dãi, tùy tiện, không phù hợp lứa tuổi người học, nhiều chi tiết phản cảm, phản giáo dục.

Chúng ta biết, thường thì người ta chỉ nói đến “hồn” của một người khi người đó đã chết. Ví dụ, Tố Hữu tả hình ảnh chú bé Lượm lúc hy sinh (trong bài Lượm – tập thơ Việt Bắc): “Cháu nằm trên lúa/ Tay nắm chặt bông/ Lúa thơm mùi sữa/ Hồn bay giữa đồng”.

Sách Tiếng Việt 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống.

Thế nhưng, bài đọc Nắng xuân hồng (trang 179), SGK Tiếng Việt 1, tập Một viết: “Trên đường đi đến lớp/ Hồn em vui mênh mông”.

Để nói về “phần hồn” của một người đang sống thì thiếu gì từ: “tâm hồn”, “lòng”…, chẳng lẽ tác giả SGK không biết điều này? Nói đến “hồn” của một đứa trẻ đang đến lớp là rủa trẻ em đấy!

Vừa đạo văn vừa làm hỏng văn

Bài tập đọc Thỏ và rùa (trang 83, tập Một) có nội dung sao chép từ câu chuyện ngụ ngôn Thỏ và Rùa của nhà văn Hy Lạp cổ đại Ê-dốp (sau đó vào thế kỷ 17 nó được nhà thơ Pháp La Phông-ten phỏng lại bằng thơ), nhưng tuyệt không thấy ghi tên tác giả Ê–dốp hay La Phông-ten. Không lẽ là của tác giả sách này sáng tác?

Có thể văn dở nên tác giả không dám ghi tên hai tác giả vĩ đại nói trên, cho nên lại thành ra là đạo văn. Cách làm này thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện của người viết tác phẩm dùng làm “khuôn vàng thước ngọc” cho thế hệ sau.

Ngoài ra, đạo văn nhưng làm hỏng văn ở chỗ, nội dung trong bài học rất tù mù: Rùa rủ thỏ thi nhưng không biết rủ thi gì. Không rõ kết quả cuộc thi thế nào; văn vẻ thì dễ dãi, làm hỏng thẩm mỹ của trẻ: Thỏ hớn hở tham gia. Thỏ nhởn nhơ múa ca.

Từ ngữ tù mù, ra bài tập đánh đố

Bài 64 (trang 140, tập Một) dạy một lúc 3 vần “iêt”, “iêu”, “yêu”. Phần Đọc tung ra cho học sinh đọc 12 tiếng và từ có chứa các vần mới học: Chiết, chiều, yêu, viết, diễu, yếu, việt, kiểu, yểu, nhiệt kế, con diều, yêu chiều. Trong số này chỉ 3 từ nhiệt kế, con diều, yêu chiều có hình minh họa. Người lớn cũng không thể biết các tiếng diễu, việt, yểu có nghĩa gì, nếu chúng không được ghép với một tiếng khác.

Đây là lỗi lặp lại ở tất cả các bài bài học vần trong sách: Từ ngữ ngô nghê, đọc lên nghe rất thô thiển, kỳ quặc: Lươn, rướn, sườn, vượn, hướng, phượng, sương, tưởng (trang 158); khèn, sen, nến, nghển, chí, mịn, cún, vun (trang 78); khóm, vòm, nộm, tôm, bờm, rơm (trang 84); làng, rạng, sáng, bằng, rặng, vẳng, hẫng, tầng, vâng (trang 130)/ hoạt, khoát, toán, xoan, choắt, hoắt, ngoằn, thoăn…

Sách cũng ra những bài tập đánh đố kiểu yêu cầu học sinh tự đi tìm từ ngữ có các vần rất khó như: oac, oăc, oam, oăm, ươ, oach, oăng? (tập Hai, trang 22).

Bài đọc ở trang 134, sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tập Hai có câu: “Mùa xuân, từng đàn cò trắng duyên dáng bay tới”, nghe rất nực cười. Người ta hay nói “Đất lành, chim/cò đậu”. Nơi nào phù hợp là cò đến ở, vì thế mới có những đảo cò. Cò không phải là chim di cư như én. Có lẽ tác giả cần hỏi thêm chuyên gia về tập tính loài cò. Viết thế này, các em cứ đợi xuân đến để cò bay về thì bố mẹ các em biết giải thích ra sao?

Cái đáng dạy thì không dạy

Bài tập đọc Nụ hôn trên bàn tay (trang 24-25, tập Hai) viết về tình mẹ con nhưng không hỏi câu nào về tình cảm của con với mẹ.

Bài tập đọc Ngôi nhà (trang 40-41, tập Hai) là một bài thơ ngắn, có 3 khổ thơ. Tác giả sách chỉ hỏi về khổ thơ 1, 2, nhưng lại không hỏi gì đến khổ thơ chính là khổ 3 nói về ý nghĩa của toàn bài thơ: “Em yêu ngôi nhà/ Gỗ tre mộc mạc/ Như yêu đất nước/ Bốn mùa chim ca”. 

Bao giờ bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý?

Theo thiển ý của người viết bài này, nếu làm SGK mà cứ đưa ra một số ngôn từ hỗn độn, phi lô-gích, phi nhận thức để thách đố học sinh thế này, chứng tỏ tác giả SGK đã thành công trong việc biến ảo những con chữ dễ hiểu, giản đơn trong sáng của tiếng Việt thành mớ “lẩu ngôn ngữ”, tạp
nham… hết sức phản giáo dục.

Điều đáng nói, kể từ khi báo chí vào cuộc đến nay, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vẫn chưa có yêu cầu cụ thể cho NXBGD phải sửa 4 bộ SGK rồi thông báo công khai trên trang thông tin của Bộ và các phương tiện truyền thông.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ trưởng bộ GD&ĐT cần phải cho sửa và thay thế ngay những ngữ liệu  trong sách Kết nối nói riêng và ba bộ sách của NXB nói chung, bởi thời gian “rà soát” của Bộ đã quá dài.

Nếu không thực hiện sẽ có các hệ quả: Khi tái bản (năm học 2021 – 2022) thì sách đang dùng năm nay sẽ bị hủy, gây lãng phí cho Nhà nước và cho phụ huynh khi 70% học sinh đang học 4 bộ sách Tiếng Việt 1 của NXBGD. Nếu có văn bản điều chỉnh sửa chữa như Cánh Diều thì học sinh có thể dùng lại SGK cũ.

Điều quan trọng hơn cả, là Bộ cần bắt tay vào cuộc ngay, chỉ đạo NXBGD sửa chữa, thay thế ngữ liệu phù hợp, để học sinh được học những bộ sách tốt nhất, vừa “kết nối”, vừa “phát triển năng lực”, đến được những “chân trời sáng tạo”- như tiêu chí của các bộ sách nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều ấy, cần “dân chủ” và “bình đẳng” trong việc sửa chữa lỗi giữa các bộ sách.

Cần nhớ rằng, trong thời gian bộ GD&ĐT chậm trễ xử lý, con em chúng ta đang phải chịu hậu quả vì ngày ngày vẫn đang phải học những cuốn sách không chỉ nặng về kết cấu, mà còn phản cảm, nhạt nhẽo về nội dung, ngữ liệu; bằng số tiền đắt đỏ do cha mẹ chúng bỏ ra mua.

“Dư luận vừa qua không thuận lợi cho bộ SGK Cánh Diều. Bộ GD&ĐT cũng chỉ tập trung xử lý các ý kiến về bộ SGK xã hội hóa này, mà không xử lý 4 bộ sách của nhà NXBGD, mặc dù báo chí cũng nêu nhiều ý kiến về 4 bộ SGK của NXBGD – doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc bộ. Thậm chí, báo chí còn nói rõ là cả 4 bộ SGK này xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, tức là có dấu hiệu vi phạm luật Sở hữu trí tuệ.

Nếu bộ chỉ nói rà soát điều chỉnh chung chung thì khó đảm bảo công bằng đối với các học sinh và giáo viên đang học và dạy 4 bộ SGK còn lại. Tôi chưa rõ vì sao có cách xử lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy. Tôi không tin là có ai đó đang muốn quay lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK, trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước và mong muốn của nhân dân về việc xoá bỏ độc quyền” – ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng).

“Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu” – ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Related Posts

Những giáo viên “làm mưa, làm gió” mạng xã hội 2020

Điểm lại loạt thầy cô giáo gây chú ý nhiều nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận trong năm 2020. Cô giáo Hà Ánh Phượng Cô…

Read more

“ Chuyến xe yêu thương” Xuân Tân Sửu 2021 đưa người bệnh về quê đón Tết

Sáng 06/02, không khí tại sảnh bệnh viện Trung ương Huế náo nhiệt, đông vui hơn bao giờ hết. Hàng trăm người bệnh và người nhà với hành lý, đồ…

Read more

Hà Nội cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ ngày mai 1/2

Toàn bộ học sinh Hà Nội sẽ nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn 1 tuần (từ 1/2) trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hà Nội là…

Read more

Hòa Bình họp khẩn trong đêm, cho toàn bộ học sinh nghỉ học từ 1/2

Ngay sau khi phát hiện 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức họp khẩn trong đêm để đưa ra các biện pháp…

Read more

Bộ GD&ĐT điều chỉnh kế hoạch dạy học để phòng chống COVID-19

Bộ GD&ĐT có công văn điều chỉnh kế hoạch dạy học ở các địa phương để phòng chống dịch COVID-19. Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ…

Read more

Hà Nội: Hơn 600 trẻ mầm non nghỉ học vì liên quan tới F2 của BN 1553

Hơn 600 trẻ ở trường mầm non trên địa bàn Hà Nội được nghỉ học ngày 29/1 để khử khuẩn sau khi một bé tiếp xúc gần với ca nghi…

Read more

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *