Mỗi ngày vẫn có hàng trăm du khách tham quan chùa Đục (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) dù vách núi có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Chùa Đục, núi Giếng Tiền là những thắng cảnh du khách không thể bỏ qua khi đến với đảo tiền tiêu Lý Sơn. Tuy nhiên, đợt mưa bão cuối năm 2017 đã khiến vách núi Giếng Tiền nằm trên đỉnh chùa Đục sạt lở nghiêm trọng.
Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, khu vực vách núi tại chùa Đục có nền đất yếu trong khi các lớp nham thạch bị ngấm nước dẫn đến sạt lở. Điều đáng lo ngại nhất là vách núi nham thạch xuất hiện các vết nứt nguy hiểm rộng từ 7 – 10 cm với chiều dài hàng trăm mét từ chân Chùa Đục lên đỉnh núi Giếng Tiền. Khu vực này có nguy cơ cao sẽ tiếp tục sạt lở nếu có sự tác động từ bên ngoài.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, dựng rào chắn không cho du khách đi vào khu vực sạt lở. Tuy vậy, nhiều du khách vẫn bất chấp nguy hiểm vượt rào chắn đến tham quan chùa Đục và miệng núi lửa Giếng Tiền.
Theo ông Lê Văn Ninh – PCT UBND huyện Lý Sơn, huyện đã chỉ đạo UBND xã An Vĩnh làm rào chắn, cử người giám sát nhằm ngăn du khách vào khu vực nguy hiểm. Song, việc giám sát chưa được thực hiện liên tục nhất là vào dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, du khách đến với Lý Sơn đều muốn chiêm ngưỡng 2 thắng cảnh này nên phớt lờ cảnh báo đi vào vùng có nguy cơ sạt lở.
Trước mắt, UBND huyện sẽ yêu cầu xã An Vĩnh thực hiện tốt hơn việc giám sát không cho du khách đi vào khu vực sạt lở. Về lâu dài, ông Ninh cho rằng cần phải khảo sát và có giải pháp căn cơ ngăn chặn vách núi Giếng Tiền tiếp tục sạt lở.
“Việc này vượt quá khả năng của địa phương nên chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VHTT& DL và các sở, ngành liên quan khẩn trương khảo sát và đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở. Tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra”, ông Ninh cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Trí – Giám đốc Sở VHTT& DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: để xử lý các vết nứt trên núi Giếng Tiền cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sự phối hợp của nhiều sở, ngành và đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện. Đồng thời phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất.
“Xử lý nứt núi là một vấn đề rất phức tạp, khá tốn kém nên cần kế hoạch cụ thể. Chúng tôi đã liên hệ với Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đặt vấn đề hỗ trợ khảo sát, đề xuất giải pháp phù hợp nhất nhằm xử lý các vết nứt”, ông Trí thông tin.
Theo Quốc Triều/Dân Trí