Ngang nhiên “xẻ đất” xây dựng nhà xưởng kiên cố trái phép để cho thuê, xây dựng chồng lấn lên diện tích đất của hơn 10 hộ dân khác, cho trạm trộn bê tông hoạt động trong phần đất của mình, nợ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…là những gì đang diễn ra tại Công ty CP Viglacera Từ Liêm (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).
PhapluatNet đã có bài phản ánh về việc Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) được Nhà nước giao đất để sản xuất vật liệu xây dựng nhưng công ty lại ngang nhiên “xẻ đất” xây dựng nhà xưởng kiên cố rộng hàng nghìn m2 để cho thuê. Bên cạnh đó, công ty này đang còn nợ thuế với nhà nước và chồng lấn lên diện tích đất của hơn 10 hộ dân.
Đất sản xuất bị xẻ để làm hàng loạt nhà kho cho thuê.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Nhu – Chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Thanh Oai cho biết: “Công ty Cổ phần Viglacera sử dụng đất sai mục đích và lấn chiếm đất của hơn 10 hộ dân thì chính quyền xã có nắm được. Tuy nhiên, mặc dù công ty này nằm trên địa bàn xã, nhưng việc cấp đất là do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp, công ty đóng thuế cho huyện nên xã không có thẩm quyền quản lý. Thẩm quyền quản lý công ty này là của huyện, xã chỉ có nhiệm vụ phối hợp khi được huyện giao”.
Để làm sáng tỏ thêm sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Ngọc Tú – Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Phòng có nắm được việc Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm chia nhỏ đất xây dựng nhà xưởng cho thuê. Việc công ty “xẻ đất” cho thuê làm nhà xưởng và trạm trộn bê tông là được phép vì công ty có quyền kinh doanh liên kết, miễn là có hợp đồng, giấy tờ về việc kinh doanh liên kết đầy đủ. Việc công ty nợ thuế là có thật, bởi họ đang trên bờ vực phá sản, công ty cũng đang cố gắng tháo gỡ từng bước một”.
Khi PV đề nghị cung cấp những giấy tờ liên quan đến hợp đồng kinh doanh liên kết của Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm thì ông Tú trả lời: “Những giấy tờ này do cơ quan thuế kiểm tra quản lý, chúng tôi không nắm giữ”.
Khi PV hỏi về việc trạm trộn bê tông đang hoạt động trong phần đất của Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm đã được cấp phép hay chưa, có đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường… hay chưa thì ông Tú cho biết: “Trạm trộn bê tông được cấp phép hoạt động hay chưa, đã đánh giá tác động môi trường hay đảm bảo phòng cháy chữa cháy hay không thì chúng tôi chưa nắm bắt được vì chúng tôi chưa xuống kiểm tra”.
Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm được Nhà nước giao đất để sản xuất vật liệu xây dựng, thế nhưng lại “xẻ đất” cho thuê làm nhà xưởng và xây dựng trạm trộn bê tông.
Về việc Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm có chồng lấn lên diện tích đất của hơn 10 hộ dân hay không? ông Tú trả lời: “Đất của Công ty Cổ phần Viglacera Từ Liêm là đất do Nhà nước cấp cho công ty cổ phần hóa, việc có chồng lấn hay không thì phải kiểm tra lại mốc cấp mới xác minh, làm rõ được. Vì vậy, việc chính quyền xã phản ánh có chồng lấn là chưa có cơ sở để kết luận”.
Được biết, ngày 20/5/2020, Phòng Quản lý đô thị đã có văn bản gửi phòng Tài nguyên & Môi trường huyện và UBND xã Bình Minh đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu vực nhà máy Viglacera Bình Minh, kế hoạch liên quan đến bảo vệ môi trường của dự án, phương hướng, kế hoạch xử lý nước thải và các nội dung quản lý khác của phòng.
Văn bản nêu rõ: Đề nghị UBND xã Bình Minh cho ý kiến về quá trình sử dụng đất của công ty (về tranh chấp, đơn khiếu kiện liên quan đến khu đất). Đề nghị các đơn vị quan tâm, phối hợp gửi ý kiến về Phòng Quản lý đô thị trước ngày 29/5/2020.
Theo Điều 208 Luật đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước kh
i vi phạm.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 77 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
1. Cảnh cáo.
2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.
3. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”