Công tác kiểm soát, phòng, chống dịch của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi mới đây, bộ Y tế cho biết đã phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2.
Cần đề phòng với các ca nhập cảnh trái phép
Ngày 2/1, bộ Y tế thông tin về bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể mới. Đó là BN1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) từ Anh về Việt Nam ngày 22/12 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh.
Mẫu bệnh phẩm mang virus của BN1435 được Viện Pasteur TP.HCM phân loại và giải trình tự gene. Kết quả ghi nhận người này nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 – là biến chủng mới được ghi nhận tại Anh gần đây. Chủng virus gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G – chủng lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng. Người phụ nữ này đang được theo dõi viêm phổi và quản lý sát tại bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amidal cấp, phổi có tổn thương mờ lan tỏa không đồng nhất.
Về ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể của SARS-CoV-2, các chuyên gia khẳng định ca bệnh này không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly tốt. Tuy nhiên, biến chủng mới gây nhiều lo ngại trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán. Công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có tốc độ và khả năng lây lan rất nhanh, nhất là khi nó xuất hiện trong cộng đồng.
Việc phát hiện biến chủng của virus SARS-CoV-2 phải được trải qua công tác giải trình tự gene từ cơ quan chuyên trách như viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) hay Viện Pasteur TP.HCM. Nếu kết quả giải trình gene phù hợp, cơ quan này sẽ thông báo về địa phương để có sự điều chỉnh trong quản lý, theo dõi bệnh nhân phù hợp. Theo bộ Y tế, người dân cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch như trước đây đã và đang thực hiện.
Mặt khác, nguy cơ lớn nhất hiện tại của Việt Nam là trường hợp nhập cảnh trái phép. Theo thông tin từ bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, ngày 2/1, bộ đội biên phòng toàn quốc bắt quả tang 184 người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Cụ thể, tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, bộ đội biên phòng phát hiện 135 người nhập cảnh trái phép. Còn khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, lực lượng chức năng bắt quả tang 49 người. Tất cả là người Việt Nam. Trong ngày đầu năm 2021, bộ đội biên phòng cả nước phát hiện 180 công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép. Trong đó, 162 người từ Trung Quốc trở về và 18 người đi qua biên giới với Campuchia.
Nếu không được cách ly ngay, khả năng những người này làm dịch lây lan trong cộng đồng rất cao, đặc biệt là khi họ nhiễm bệnh bởi biến chủng của SARS-CoV-2 mà không được phát hiện.
Biến thể của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết những vấn đề liên quan biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang làm giới khoa học rất lo ngại. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng bám dính của virus. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.
“Đợt dịch tại Đà Nẵng vừa qua, chúng ta có phát hiện đột biến gene làm tăng lây nhiễm nhưng không mạnh như đợt biến chủng này”, ông Long nói.
Hiện nay, hầu hết vaccine đều nhằm vào việc ngăn chặn khả năng xâm nhập của virus SARS-CoV-2 với tế bào thuần chủng. Trong thời điểm này, các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ sự biến chủng của virus và chưa thấy có khả năng ảnh hưởng đến vaccine phòng COVID-19.
“Sự biến chủng này của virus SARS-CoV-2 tăng khả năng lây truyền, nhưng không làm tăng tình trạng nặng của bệnh tật. Mặc dù quan ngại, chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó với chủng này”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Trong tuần qua, nhiều quốc gia liên tiếp phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 từ biến chủng của virus corona có nguồn gốc từ Anh. Nghiên cứu gần đây của một nhóm chuyên gia dịch bệnh tại Anh cho biết khả năng gây tử vong của biến chủng mới không cao hơn nguyên bản. Tuy nhiên, nó làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền tới 70%.
Để tránh tình trạng “nhập khẩu virus”, bộ Y tế đã ban hành chỉ thị 26/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Theo đó, bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh.