Bằng thương vụ sang tay gần 7 triệu cổ phiếu SSI và hơn 4 triệu cổ phiếu PAN cho công ty riêng, ông Hưng bỏ túi gần 390 tỷ đồng trong ngày 17/3.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT công ty CP Tập đoàn PAN và Chứng khoán SSI vừa hoàn tất bán gần 7 triệu cổ phiếu SSI và hơn 4 triệu cổ phiếu PAN cho công ty TNHH Đầu tư NDH. Phương thức bán là giao dịch thỏa thuận.
Sau thương vụ trên, hiện “ông trùm chứng khoán” Nguyễn Duy Hưng chỉ còn nắm giữ gần 3,3 triệu cổ phiếu SSI (tương đương 0,5% vốn điều lệ của công ty này) và 1,2 triệu cổ phiếu PAN (tương đương 0,6% vốn).
Về phía đơn vị hấp thụ lô cổ phiếu “khủng” nói trên: Công ty TNHH Đầu tư NDH thì ông Hưng cũng chính là chủ sở hữu đồng thời đang ngồi ghế Chủ tịch doanh nghiệp này.
Trong ngày 17/3, cổ phiếu PAN được giao dịch quanh vùng thị giá 27.500 đồng/cp, SSI neo ở mức 32.700 đồng/cp lúc chốt phiên. Như vậy theo uớc tính, tổng giá trị số cổ phiếu ông Hưng đã chuyển nhượng cho công ty riêng lần này rơi vào khoảng gần 390 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng (SN 1962 tại Thanh Hóa) là doanh nhân, “ông trùm” chứng khoán nổi tiếng. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI); Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH NDH Việt Nam.
Là một doanh nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán & đầu tư tài chính, ông Hưng dẫn dắt và điều hành SSI trở thành công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường hiện nay, dẫn đầu cả về thị phần, doanh thu và tổng tài sản.
Bởi thế, ông được biết đến là một nhà đầu tư có những phát biểu có tác động nhất định đến giới đầu tư chứng khoán.
Gần đây, một phát ngôn của ông Hưng đã gây ra nhiều tranh cãi trên diễn đàn của các nhà đầu tư chứng khoán. Cụ thể, trước tình hình sàn chứng khoán HoSE của sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM thường xuyên bị nghẽn do quá tải, Tổng giám đốc HoSE – ông Lê Hải Trà – có phát ngôn về việc đơn vị này đang nghiên cứu đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu.
Nghĩa là, thay vì có thể mua bán chứng khoán với đơn vị tối thiểu là 100 cổ phiếu, nhà đầu tư có thể phải mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu trở lên, nếu đề xuất này được đưa ra và được thông qua. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư phải “xuống tiền” gấp 10 lần mới có thể giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE.
Vào thời điểm này, ông Nguyễn Duy Hưng viết status trên Facebook cá nhân, nêu quan điểm ủng hộ việc nâng lô giao dịch tối thiểu này. Ông Hưng cho rằng, đây là “lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống”, giống như uống thuốc thì phải chấp nhận tác dụng phụ.
Phát biểu của ông ngay lập tức hứng “gạch đá” từ các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ, đối tượng chịu tác động lớn từ chính sách trên, nếu nó được thông qua.
Họ cho rằng cách làm này làm giảm cơ hội tiếp cận thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nhỏ lẻ, tạo lợi thế cho các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán; và rằng nhà đầu tư phải nộp thuế phí định kỳ nhưng đến khi hệ thống bị quá tải thì họ lại là đối tượng phải chịu rủi ro, thiệt thòi.
Hoàng Yến (T/h)
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật