Jennifer Risher (Mỹ), người sở hữu khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD, cho hay việc nhiều tiền khiến các mối quan hệ thân thiết của cô bị ảnh hưởng ít nhiều.
“Cực kỳ giàu có không đồng nghĩa với việc được vô tư lự, hàng ngày chỉ uống rượu champagne thỏa thích, xung quanh ai cũng yêu quý”, Jennifer Risher, nữ doanh nhân từng làm việc tại tập đoàn công nghệ Microsoft, nói với New York Post.
Năm 25 tuổi, Risher làm công việc tuyển dụng và nắm trong tay số cổ phiếu giá trị vài nghìn USD. Tại đây, Risher gặp gỡ David, người sau này trở thành chồng cô.
Sau vài năm làm lụng, vào giai đoạn thập niên 90, hai vợ chồng đã kiếm được ít nhất 10 triệu USD trước năm 35 tuổi. Nhanh chóng, họ gia nhập tầng lớp thượng lưu tại nước Mỹ.
Nhưng với một phụ nữ xuất thân bình dân, cha mẹ đều làm nhân viên văn phòng và có thói quen tiết kiệm, việc cuộc sống trở nên đầy đủ, thậm chí dư thừa, có phần lạ lẫm. Hiện tại, ở tuổi 55, cô thừa nhận cuộc sống lắm tiền nhiều của không dễ dàng như những gì mọi người thường nghĩ.
“Chúng ta nhìn nhận sự giàu có từ góc độ hạn hẹp: sự hào nhoáng, xa hoa và cả sự ghen tị. Nhưng chúng không phải là tất cả”, Risher viết trong cuốn tự truyện We Need To Talk: A Memoir About Wealth của mình.
“Tên tôi là Jennifer, tôi đang viết một cuốn sách nói về việc có trong tay nhiều tiền khó khăn thế nào. Chuyện đó diễn ra không hề suôn sẻ”, Risher từng nói trong một buổi hội thảo về viết lách ở bang California.
Ngay lập tức, có người đáp lại: “Trông cô còn không giống một người lắm tiền”.
Trên thực tế, sự nghiệp của vợ chồng Risher suôn sẻ hơn họ tưởng tượng. Sau khi nữ doanh nhân sinh con gái đầu lòng, sự nghiệp của cả hai ngày một thăng hoa. Risher trở thành giám đốc phụ trách sản phẩm của công ty, còn David chuyển sang làm cho Amazon.
Tài sản của hai vợ chồng tăng dần. Người chồng sắm máy bay phản lực riêng cho cả nhà. Tủ quần áo của Risher bắt đầu xuất hiện nhiều trang phục hàng hiệu hơn. Cả hai tậu thêm một căn biệt thự mới rộng rãi hơn ngôi nhà đang ở. Hai người con sống no đủ vật chất, không biết đến khái niệm thiếu thốn.
Tuy nhiên, cuộc sống quá sung túc khiến Risher lo lắng về tác động của tiền bạc lên con cái.
“Khi đứa lớn 6 tuổi bắt đầu hỏi cha mẹ rằng cả nhà có du lịch bằng máy bay tư nhân hay không, còn đứa nhỏ 4 tuổi thắc mắc liệu có được ngồi ở khoang hạng nhất đắt tiền, tôi quyết định gia đình mình sẽ chuyển hết sang bay máy bay thương mại, ngồi hạng thường như bao người khác”, người mẹ kể lại.
Sự giàu có cũng vô tình làm các mối quan hệ họ hàng, người thân của cặp vợ chồng trở nên khó xử hơn. Một người bạn thân thiết quyết định không mời hai người đến xem buổi diễn chỉ vì e ngại cả hai sẽ chỉ thích ngồi hàng ghế đầu và không hài lòng với những thứ bình dân.
“Điều ấy khiến tôi bị sốc. Tình bạn với cô ấy và đến ủng hộ bạn mình ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc tôi được ngồi ở hàng đầu tiên. Sự việc đó khiến tôi nhận thức rõ hơn về việc bạn bè có thể e ngại thế nào khi khả năng kinh tế của tôi và họ quá chênh lệch”, Risher nói.
Ngay cả khi Risher mỗi năm đều tặng anh trai những món quà đắt tiền, giá trị lên tới 20.000 USD, cảm giác giữa đôi bên vẫn không tránh khỏi gượng gạo.
“Ban đầu, tôi nghĩ anh ấy cảm thấy thua kém, tự ti. Về sau, tôi hiểu anh trai chỉ đơn giản là cảm thấy khó xử khi nhận món quà đắt tiền. Giờ chúng tôi đã dễ dàng nói chuyện với tư cách hai người tin tưởng lẫn nhau hơn”.
Hiện tại, David là CEO của Worldreader, một công ty chuyên cung cấp thư viện kỹ thuật số miễn phí cho nhiều quốc gia. Còn với riêng Risher, cô cho biết dù bản thân đã nắm giữ hàng triệu USD, cô vẫn cố gắng sống như những người bình thường khác và nỗ lực làm từ thiện nhiều hơn.
“Đến giờ, tôi vẫn dành thời gian lái xe quanh khu nhà để tìm chỗ đỗ xe miễn phí”, cô kể.