NSƯT Thanh Loan được nhớ tới qua vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn” cùng nhan sắc nức tiếng một thời của thiếu nữ đất Hà thành.
Khán giả phần đông nhớ đến NSƯT Thanh Loan với vai diễn Huyền Trang – nữ biệt động Sài thành giả ni cô trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Long Vân cuối thập niên 1980. Trước đó, bà tham gia khoảng 10 bộ phim và quyết định rời xa điện ảnh sau khi Biệt động Sài Gòn kết thúc quay năm 1986.
Dù đã gần 40 năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến vai Ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan vẫn còn những xúc cảm khó tả. Mỗi năm cứ đến dịp tháng 4 lịch sử, bà cùng đồng nghiệp lại có dịp được xem lại tác phẩm Biệt động Sài Gòn. Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975. Nữ nghệ sĩ cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện vì đã được góp một chút công sức nhỏ bé để tạo nên thành công của phim.
NSƯT Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội trong một gia đình đông con và không theo truyền thống nghệ thuật. Sau khi học hết thành trung, bà theo học tại trường Nghệ thuật quân đội và trở thành diễn viên đoàn văn công quân đội. Sau này nữ nghệ sĩ chuyển công tác sang làm phát thanh viên của truyền hình Quân đội – Công an.
Sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của thiếu nữ đất Hà Thành với khuôn mặt trái xoan xinh xắn, vóc dáng đẹp, Thanh Loan bén duyên với nghệ thuật ở tuổi trăng tròn 15. Người đẹp phố cổ chính thức chạm ngõ điện ảnh với vai Riêng trong Người về đồng cói. Đây cũng là vai diễn đặt nền móng vững chắc cho con đường dấn thân vào bộ môn nghệ thuật thứ 7 của nữ nghệ sĩ. Nhưng có lẽ vai ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn” mới chính là vai diễn “đo ni đóng giày” với Thanh Loan.
Sau vai diễn để đời đó, Thanh Loan đã trở thành một người lính, một nữ đại tá, giữ vai trò quản lí trên cương vị là Phó Giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân. Công việc không cho phép bà bỏ thời gian để đi đóng phim nên mặc dù nhớ màn ảnh lắm nhưng bà cũng đành phải chấp nhận.
Sau đó, người ta hầu như không thấy Thanh Loan xuất hiện trên màn ảnh. Không ít lời đồn thổi, thậm chí, một thời gian người ta còn kháo nhau rằng bà bị đánh ghen, bị tạt a xít, thậm chí ám sát vì vai diễn này.
Với NSƯT Thanh Loan, hành trình hơn 10 năm gắn bó với điện ảnh khởi nguồn từ một cơ duyên. Và quyết định dừng lại là một lựa chọn cho thấy bà “biết tới đâu là đủ”. Tuy nhiên, gia tài phim ảnh của bà đều là những tác phẩm ăn khách như: Người về đồng cói, Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết, Bí mật thành phố cấm, Bản đề án bị bỏ quên,…khiến công chúng luôn nhớ đến cô thiếu nữ đất Hà thành với khuôn mặt trái xoan xinh xắn.
NSƯT Thanh Loan là mẫu phụ nữ Hà thành với tôn chỉ giữ gìn những giá trị truyền thống, trong đó có gia đình. Đây là một phần lý do khiến bà ngừng đóng phim. Diễn viên “Biệt động Sài Gòn” sớm kết hôn ở tuổi 23 với người chồng hơn 10 tuổi là một GS. TS Toán học.
“Thật ra, tôi thích người khác nghề hơn. Làm nghệ thuật đã lênh đênh, chân chẳng đến đất, đầu chẳng đến giời, nếu lấy nhau thì khó hạnh phúc. Người khác nghề sống với nhau có thể khám phá thêm nhiều điều thú vị khác” – Thanh Loan chia sẻ.
Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng như một sự bù đắp cho mối tình dang dở trước đó. Thanh Loan nhớ lại, những năm bà đóng phim Biệt động Sài Gòn, ông xã vẫn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở Matxcơva. Chuyện gia đình ông nắm bắt được đều thông qua những bức thư bà gửi từ Việt Nam. Nữ nghệ sĩ tâm sự với chồng chuyện cha mẹ, con cái và cả chuyện đoàn phim. Vào vai ni cô, Thanh Loan phải cạo đầu. Biết tin vợ xuống tóc, chồng bà cứ xuýt xoa, nuối tiếc mãi.
Cuộc đời Thanh Loan là dòng sông êm đềm và phẳng lặng. Vai Ni cô Huyền Trang đã khuấy động phần nào, nhưng rồi lại trả nữ nghệ sĩ về với thế giới của riêng mình, với yên bình và hạnh phúc ngọt ngào bên chồng và các con…Bà nói: “Tôi may mắn có được sự thông cảm, tôn trọng từ chồng và con cái. Họ đều ủng hộ công việc cũng như sở thích của tôi“.
Sau khi nghỉ hưu, NSƯT Thanh Loan vẫn tích cực tham gia các hội, đoàn nghề nghiệp. Hiện bà vẫn tới văn phòng làm việc. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội điệ
n ảnh truyền hình Công an, văn phòng của bà là nơi bạn bè, đồng nghiệp tới chia sẻ về nghề.
Nữ nghệ sĩ gốc Hà thành tự nhận là một người có cuộc sống may mắn nên khi về hưu bà dành nhiều thời gian làm thiện nguyện để chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ảnh: Sưu tầm