Trong đời sống thường nhật, có đôi lúc ngồi suy niệm một mình, chúng ta cũng thường thắc mắc tự hỏi: Khổ đau lớn nhất của đời người là gì?
Điều thứ 1: Sinh
Nhà Phật cho rằng thế giới thực tại là khổ. Chúng ta sinh sống trên thế gian, bản thân là khổ. Sống sống, chết chết, vòng luân hồi ấy không biết lúc nào mới kết thúc? Người ta có thân người này chính là đã phải chịu trầm luân trong bể khổ tưởng như vô bờ. Cho nên, con người khi hạ sinh, lần đầu tiên cất tiếng chính là tiếng khóc.
Điều thứ 2: Lão
Tuổi thanh xuân của mỗi người đều nhanh chóng trôi qua. Người ta nói, đời người như bóng câu vút qua cửa sổ. Con ngựa đang sung sức, kéo chiếc xe chạy vun vút trên đường, lướt qua cửa sổ thì đúng là chỉ trong tích tắc.
Lý Bạch cũng từng viết đôi câu thơ nói về cái ám ảnh già cỗi này:
“Thềm cao gương soi đầu tóc bạc
Sáng như tơ xanh chiều tựa tuyết”
Ai rồi cũng phải già đi tuy mỗi ngày ta không nhìn thấy mình đang lão hóa. Đó là một nỗi khổ khó nói nên lời. Con người bình thường không cách nào có thể khống chế điều này, mỗi khi nhìn lại thấy thêm một sợi tóc bạc thì trong tâm sẽ phảng phất một nỗi buồn thương.
Điều thứ 3: Bệnh
Người xưa nói, trời không đo được gió và mây, người sớm tối có họa phúc, không thể dự liệu. Bệnh tật là nỗi khổ lớn của đời người, ai ai cũng sẽ phải trải qua. Ngày hôm nay khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng ngày mai có thể đau đớn, lìa đời chẳng hay.
Điều thứ 4: Tử
Phật gia cho rằng, chết là không đáng sợ như con người vẫn tưởng tượng. Bởi vì họ cho rằng, cái chết là khởi đầu của một sinh mạng mới. Luân hồi là để một sinh mệnh mới được ra đời. Nhưng chính sự lưu luyến, không muốn rời xa cõi trần của con người ta lúc cận kề cái chết mới chính là nỗi đau khổ lớn nhất.
Điều thứ 5 : Nhìn không thấu chính mình
Người ta cứ tưởng bản thân mình hiểu mình rõ nhất, thực ra là hoàn toàn trái lại. Nhìn thấu phần sâu thẳm nhất của sinh mệnh cá nhân vốn là điều khó khăn nhất.
Trong những bão giông cuộc đời, có nhiều điều khiến bạn không thể nhìn thấy hoàn cảnh của chính mình. Bạn không nhìn thấy được bản thân đang lạc vào một vòng luẩn quẩn, không thấy vết thương sau mỗi lần tranh đấu, không thấy nơi yên bình phía sau sự phồn hoa, tấp nập.
Bạn cũng không thể nhìn thấy đường về sau cả một kiếp nhân sinh mỏi mòn, mệt mỏi, không thấy được niềm vui đằng sau những nỗi buồn, không thấy được tấm chân tình giữa biển người xa lạ bao la.
Trên đời, không nhìn thấu được chính mình chính là nỗi khổ lớn nhất.
Điều thứ 6: Không thể đứng dậy sau thất bại
Thất bại là chuyện thường trong đời mỗi người. Ai dám nói mình chưa từng gục ngã? Những người thành đạt nhất, trái lại chính là những người vấp ngã nhiều nhất.
Vấp ngã rồi nằm mãi ở nơi đó than thân trách phận, bạn đang đợi ai đến dang tay cứu giúp đây? Cuộc đời là do chính bạn quyết định, con đường là do chính bạn đi. Nếu không biết đứng dậy thì cũng đừng hy vọng đi cho tốt quãng đời phía trước vốn đầy hứa hẹn.
Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, sống cách đây gần 2000 năm có một câu tâm đắc thế này: “Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh”. Nói được câu đó ra là không hề đơn giản.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông cũng từng bại trận rất nhiều, có lúc chỉ còn vài binh tốt, thất thểu, khổ cực không sao kể xiết. Thế nhưng sau mỗi lần bại trận ông đều vực dậy rất nhanh, hoàn toàn không day dứt, oán trách, chỉ nhìn về phía trước, nỗ lực không ngừng, bù đắp cho thất bại bằng ý chí của bậc quân tử không nản lòng.
Cuối cùng, thời Tam Quốc, thiên hạ chia ba, Tào Tháo đã chiếm hai phần, hoàn thành bá nghiệp, cuối đời làm đến vương công, vô cùng hiển hách. Bài học “Thắng không kiêu, bại không nản” ấy chính là còn nguyên ý nghĩa suốt ngàn thu.
Cuộc sống của mỗi người đều khó có thể hoàn mỹ nhưng cũng không phải hoàn toàn là bi thảm. Có thể điều chỉnh tốt tâm thái của mình, vui vẻ sống, biết rõ điều gì nên giữ, điều gì nên buông chắc chắn rằng cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều!
Thanh t/h