Năm 2020 được đánh giá là năm đầy biến động của ngành giáo dục Việt Nam. Toàn ngành đã nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được nhiều thành tích tốt, khẳng định tầm quan trọng và vị trí trong xây dựng đất nước đổi mới, bắt kịp với thế giới.
Học sinh trải qua “kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử”
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, ngày 30-31/1/2020, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại trường với chiếc khẩu trang. Các trường nhanh chóng tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19 như sát trùng phòng học, đo thân nhiệt thường xuyên cho học sinh.
Chiều 1/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch ở Việt Nam. 23 địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học tránh dịch. Với bậc đại học, hơn 70 trường lùi ngày trở lại trường của sinh viên từ ngày 3/2/2020 lên 17/2/2020.
Đến ngày 3/2/2020, toàn bộ 63 tỉnh thành và hơn 200 trường đại học đóng cửa vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Theo đó, các hoạt động dạy và học tại trường phổ thông và đại học bị gián đoạn hơn 3 tháng. Điều này khiến các địa phương và các trường triển khai mạnh mẽ phương án dạy học qua Internet và truyền hình.
Dù có nhiều vướng mắc về thiết bị dạy học trực tuyến, phần mềm không đồng bộ, một số nơi không có Internet, phương pháp này vẫn được cho là hữu hiệu nhất trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Nhiều thầy cô đã sáng tạo cách dạy online hấp dẫn để thu hút học sinh.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9, Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến.
Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Kỳ thi THPT được đổi tên và chia làm 2 đợt
Năm học 2019-2020 kết thúc muộn dẫn tới sự thay đổi của các kỳ thi quan trọng. Kỳ thi THPT quốc gia với gần 90.000 học sinh được lùi tới ngày 9-10/8/2020 thay vì cuối tháng 6 như mọi năm.
Do thời điểm đó Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà phải thay bằng thi tốt nghiệp THPT, các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra nhằm đảm bảo đúng mục tiêu và quy định của Luật.
Bộ GD&ĐT dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 nhưng giảm số môn và nội dung.
Tuy nhiên, sau đó, ngày 21/4/2020 bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sau ngày 15/6/2020 sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh làm ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài tự chọn được công bố chung một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần. Phương án trên được Thủ tướng chấp thuận.
Ngay sau đó, hàng nghìn học sinh lớp 12 và phụ huynh cả nước hoang mang và lên tiếng phản đối khi các em thi tới 5-6 môn thay vì chỉ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống trước đây. Cuối cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quyết định giữ nguyên ba đầu điểm của ba môn thành phần trong bài thi tổ hợp như năm 2019.
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 gần như chỉ thay đổi về tên gọi, mục đích và hình thức tổ chức vẫn tương tự các năm trước.
“Sóng gió” lại bất ngờ ập đến khi ngày 24/7/2020, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và có tốc độ lây lan nhanh chóng ra các tỉnh Quảng Nam và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ buộc phải quyết định những thí sinh ở địa phương có bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ thi THPT đợt 2 từ ngày 3-5/9/2020 đảm bảo an toàn sức khoẻ và công bằng cho các em.
Song song với thay đổi tên gọi kỳ thi THPT, nhiều trường đại học chủ động lên phương án và tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực, làm căn cứ xét tuyển thí sinh đầu vào, điển hình như đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Quốc gia TP.HCM, học viện Báo chí và Tuyên truyền… Kết thúc năm 2020, các trường tuyển sinh được hơn 555.000 thí sinh ở các hệ đại học, hệ cao đẳng, hệ trung cấp, hệ vừa học, vừa làm, hệ liên thông.
Học sinh chịu hậu quả nặng nề sau “trận lũ lụt lịch sử”
Tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi oằn mình trong mưa lũ.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến cho hàng nghìn ngôi trường ngập chìm trong biển nước, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học dài ngày, thậm chí lên tới cả tháng. Nhiều trường, học sinh “trắng” sách vở sau lũ.
Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung do bão lũ diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Nhiều trường học ngập sâu. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, mất mát và hư hỏng nặng. Sau bão, hầu hết các em học sinh ở vùng lũ đều bị thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Sách giáo khoa nhiều “sạn”
Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong năm học 2020. Nội dung sách lớp 1 mới cải biên của ban biên tập sách giáo khoa tiếng Việt của bộ Cánh Diều (1 trong 5 bộ SGK mới) xoay quanh nội dung truyện minh họa có sử dụng những từ ngữ không phù hợp với học sinh như: “Nhá cỏ”, “nhá dưa”, “quà…quà”, “chén”…
Đáng chú ý, sách có những câu chuyện, chi tiết bị cho là thiếu tính giáo dục mà điển hình là truyện con cò và hai con ngựa, vì nó mang màu sắc tiêu cực như “lừa lọc, khôn lõi” nhiều hơn là cổ súy sự tích cực cho các bé lớp 1, vốn như tờ giấy trắng mới bước vào trường.
Bài “Hai con ngựa” sẽ được bộ GD&ĐT chỉnh sửa hoặc thay thế nội dung cho phù hợp với học sinh lớp 1.
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản đại học sư phạm TP.HCM phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.
Theo đó, thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.
Cô giáo Việt lọt top 10 Giáo viên suất sắc nhất toàn cầu
Ngày 11/11/2020, Tổ chức Varkey Foundation công bố top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Trong danh sách này có cô giáo Hà Ánh Phượng của Việt Nam.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991, dân tộc Mường) là giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ trở thành người Việt Nam duy nhất được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Giải thưởng này được coi như “giải Nobel” về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Trước đó ngày 19/3, theo giờ London, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố danh sách “50 giáo viên toàn cầu” từ hơn 10.000 ứng viên. Đây là một giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation (một Quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn) dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học.
Tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991, dân tộc Mường), giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ là đại diện Việt Nam có tên trong danh sách top 50 này.
Sự kiện này gây tiếng vang lớn trong ngành giáo dục và truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trên hành trình trở thành công dân toàn cầu, vươn ra thế giới.