Từ 1/1, nhiều luật, bộ luật mới có hiệu lực với những quy định như người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng, cấm kinh doanh đòi nợ hoặc mại dâm…
1. Viện kiểm sát được quyền giám định hình sự.
Từ 1/1/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ có hiệu lực. Theo luật mới, các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự gồm Viện Khoa học hình sự bộ Công an; phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh; phòng Giám định kỹ thuật hình sự bộ Quốc phòng và phòng Giám định kỹ thuật của viện KSND tối cao.
Trong đó, phòng giám định của viện kiểm sát thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Viện trưởng viện KSND tối cao sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của phòng giám định hình sự thuộc đơn vị mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đây là điểm mới so với luật giám định cũ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đây là quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021. Cụ thể, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bất cứ lý do gì, chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động từ 3 đến 45 ngày tùy thuộc hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng đến hợp đồng vô thời hạn.
Người lao động cũng không cần báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không được bố trí công việc, địa điểm theo đúng thỏa thuận; không được trả lương hoặc bị chậm lương; bị ngược đãi, đánh đập hoặc bị làm nhục, lăng mạ…
3. Tòa án sẽ hòa giải trước, thụ lý sau.
Cũng từ 1/1/2021, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ có hiệu lực. Cụ thể, việc tổ chức, hòa giải được thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Thời hạn hòa giải, đối thoại tại tòa án là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên cũng có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại nhưng không được quá 2 tháng.
4. Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đây là quy định của Luật Đầu tư năm 2020, có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật đầu tư mới cấm các hoạt động gồm kinh doanh các chất ma túy và một số loại hóa chất, khoáng vật có trong phụ lục của luật; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; kinh doanh mại dâm; mua bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể hoặc bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngược lại, Luật Đầu tư 2020 cũng giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xuống còn 227 ngành nghề đồng thời bổ sung nhiều ngành, nghề được ưu đãi đầu tư cũng như thêm hình thức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
5. Giảm lĩnh vực đầu tư theo PPP.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 nhưng chưa điều chỉnh với các dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2020.
Theo luật mới, các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế; giáo dục – đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Trong đó, mức đầu tư thấp nhất với dự án y tế giao dục là 100 tỷ đồng; các lĩnh vực khác phải đầu tư ít nhất 200 tỷ đồng/dự án trừ khi dự án được thực hiện tại địa bàn khó khăn hoặc dự án theo loại hợp đồng O&M (tạm dịch hợp đồng kinh doanh, quản lý)…