Đức Phật đã từng dạy rằng, ác khẩu (hay còn gọi là ác ngữ) là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). Con người chỉ mất 2 năm để học nói nhưng lại mất cả đời để học… im lặng. Bởi vậy, “nói” chính là một loại năng lực trời cho, nhưng nói thế nào để không bị xem là “ác khẩu” mới chính là một loại trí tuệ mà không phải ai cũng học hỏi được ở đời. Theo quan niệm của người xưa, lời nói là hơi thở từ miệng, là sống chết theo từng hơi thở ra vào, theo từng lời nói của bạn, vậy nên chúng ta cũng hãy cẩn thận trong từng “lời ăn tiếng nói” do mình phát ra.

Nói như ra lệnh

Trong giao tiếp hàng ngày, mọi người đều cần lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng người nghe và những người xung quanh, không tỏ thái độ sai bảo, dạy dỗ hay kiểm soát áp đặt. Bởi cách giao tiếp đó không giúp gì cho người nói ngoài thái độ trên cơ nhưng lại gây tổn thương và bực bội cho người nghe.

Để tránh kiểu giao tiếp ra lệnh, chúng ta cần sử dụng từ ngữ vừa đủ, thay vì nói hãy làm cái này hay cái kia…

Những kiểu ác khẩu trong giao tiếp hàng ngày cần nên tránh

Nói như dọa nạt

Có rất nhiều hình thức dọa nạt đang được “mặc định” và chấp nhận như chuyện bình thường trong mọi gia tiếp hàng ngày nhưng thực tế lại là ác khẩu. Ví như cha mẹ dọa con cái không nghe lời sẽ từ mặt, không về thăm là bất hiếu, hàng xóm dọa trẻ con nếu chúng có anh chị em mới sẽ bị ra rìa, đặc biệt là chuyện sếp dọa nhân viên nếu không đạt doanh thu sẽ bị cắt thưởng, thôi việc… Những hình thức dọa nạt đó có thể có tác dụng nhanh và luôn nhưng thực tế nó là ác khẩu bởi nó khiến người bị dọa có cảm giác lo sợ, mất tự tin, bị áp lực… Sau này những cá nhân bị dọa nạt đó cũng sẽ nói và làm tương tự với những người khác.

Trong mọi mối quan hệ, chúng ta cần đi đến những thống nhất và đồng thuận với những động viên tích cực và nỗ lực song phương, không dùng dọa nạt làm phương cách để đạt được những gì mình muốn.

Nói to tiếng kèm vẻ mặt căng thẳng

Bất đồng quan điểm là việc thường xảy ra trong mọi giao tiếp hàng ngày và khi không đi đến thống nhất, chúng ta nên tạm ngừng giao tiếp hoặc tìm giải pháp ở phía trung lập, chứ không sử dụng ác khẩu để lấn át người nghe.

Trong nhiều môi trường làm việc hiện nay, nhiều người muốn giải quyết bất đồng bằng vị thế và quyền năng của mình như sếp lớn tiếng ra lệnh cho nhân viên, hay có trường hợp quát tháo bắt nạt nhau bằng giọng điệu to, lời nói mạnh và vẻ mặt căng thẳng. Tuy nhiên, đó thực sự là cách giao tiếp thiếu văn minh và thiếu công bằng.

Những kiểu ác khẩu trong giao tiếp hàng ngày cần nên tránh

Đổ tội cho người khác 

Trong nhiều tình huống không hay xảy ra, đổ tội là cách nhanh nhất để chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nếu đổ tội không đúng người đúng cách vô tình khiến mình trở thành người vô lý, giả dối, thậm chí vu khống người khác.

Mỗi người một cuộc đời, một công việc, một gia đình với những trách nhiệm của riêng mình. Nếu không hài lòng, hãy học cách trao đổi để cải thiện tình hình hoặc chấp nhận tình huống không vừa ý hay chủ động thay đổi, từ bỏ hay ra đi chứ không tìm cách đổ tội, than thở.

Đánh giá thấp người khác

Đánh giá thấp người khác là một biểu hiện thường thấy của ác khẩu, khi chúng ta cố tình chê bai những nỗ lực hoặc thành tích của những người xung quanh để đưa mình lên cao hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy mình tốt hơn người khác. Tuy nhiên, thái độ đánh giá thấp người khác như: chê vị trí làm việc, tính chất công việc, chỉ trích những người cố gắng làm việc tốt cho gia đình và xã hội… cũng chính là cách vô tình chúng ta mắc phải lỗi ác khẩu.

Để tránh việc “dìm hàng” người khác, chúng ta cần tự đặt cảm xúc của bản thân vào tình huống nếu mình là người bị đánh giá thấp sẽ có những cảm nhận như thế nào? Hãy cư xử với mọi người xung quanh như thể bạn muốn được họ cư xử như thế!

Những kiểu ác khẩu trong giao tiếp hàng ngày cần nên tránh

Phủ nhận công sức người khác

Phủ nhận công sức người khác cũng là một dạng của ác khẩu trong giao tiếp hàng ngày mà nhiều người đang mắc phải. Có người thường bình luận không tích cực về những đóng góp hay thế mạnh của bạn bè, đồng nghiệp vì trong sâu thẳm, họ lo sợ người ta sẽ làm tốt hơn mình và sẽ dần lên mặt với ta. Do đó, phản ứng tự nhiên là phủ nhận công lao, đóng góp của họ.

Tuy nhiên, cách giao tiếp này chỉ chứng tỏ rằng chúng ta không công bằng, không tự tin và càng không hợp tình hợp lý. Và nếu tất cả mọi người đều giao tiếp bằng sự phủ nhận công sức và thành tích của nhau, chúng ta sẽ tạo nên một cộng đồng thiếu đoàn kết, thiếu trân trọng nhau. Do đó, để có tấm lòng thiện, chúng ta cần biết nhìn nhận và đánh giá những nỗ lực của nhau một cách công bằng và hợp lý, để cùng trân trọng và yêu thương nhau hơn.

Những kiểu ác khẩu trong giao tiếp hàng ngày cần nên tránh

Tảng lờ

Có rất nhiều cách để tảng lờ như không chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và kế hoạch trong tương lai xa hoặc gần, tảng lờ những lời hứa, cam kết, tảng lờ sai lầm, hiểu lầm hay thậm chí tảng lờ những mong muốn, nguyện vọng của người xung quanh nhằm chối bỏ trách nhiệm, giảm thiểu cố gắng chia sẻ. Việc tảng lờ có tác dụng dễ chịu trong thời gian ngắn cho những người liên quan nhưng về lâu dài, nó gây ra cảm giác cô độc, xa cách, giận dữ và căng thẳng và gián tiếp trở thành ác khẩu.

Để tránh kiểu giao tiếp không có tính thiện này, chúng ta nên đối diện trực tiếp với suy nghĩ, xúc cảm, trao đổi chân thành và cởi mở về mong muốn, nguyện vọng và những dự định trong tương lai với những người liên quan.

Và không chỉ trực tiếp nói mới là người ác khẩu, thậm chí chỉ cần tán thành, ủng hộ những lời nói ấy cũng đều nguy hiểm như nhau, vì nhiều lần làm như vậy sẽ trở thành một thói quen khó bỏ. Vết thương chúng ta gây ra trên thân thể người khác còn có thể sẽ có ngày lành lặn trở lại, nhưng vết thương gây ra do lời nói ác khẩu thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Thế nên hãy luôn luôn ghi nhớ và học theo câu của ông bà xưa: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nha bạn!