Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn nên xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Việc này không chỉ giúp bé có trí tưởng tượng phong phú, thúc đẩy tư duy sáng tạo mà còn khuyến khích não hoạt động nhiều hơn.
Bạn dễ dàng nhận thấy một đứa trẻ có thói quen đọc sẽ có trí tưởng tượng phong phú, tư duy logic và sáng tạo hơn so với những đứa trẻ lười đọc. Việc xây dựng thói quen tốt này cho trẻ sẽ giúp con ham thích việc đọc và tìm hiểu hơn. Bước đầu tiên trong việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ là thái độ tích cực đối với việc đọc của mọi thành viên trong chính gia đình bạn.
Là cha mẹ, trước tiên bạn cần có trách nhiệm phát triển kỹ năng đọc cho trẻ. Trong bài viết này, Hello Bacsi mách nhỏ đến bạn 6 bí quyết giúp xây dựng thói quen tốt này cho trẻ và những cuốn sách hay dành cho thiếu nhi nên có trong tủ sách mỗi gia đình.
6 bí quyết giúp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ
1. Hãy làm gương cho trẻ
Việc này thật đơn giản đúng không? Thực tế cho thấy trẻ học hỏi hầu hết các thói quen của cha mẹ. Do đó, nếu bạn muốn xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, hãy chắc chắn rằng trẻ thường xuyên thấy bạn làm việc này. Nếu trẻ thường xuyên nhìn thấy bạn đọc, con cũng sẽ bắt chước những thói quen này và bắt đầu tự đọc. Hãy làm cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc đọc sách là không chỉ để giải trí mà còn là một kênh giúp cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức và kết nối với nhiều người khác.
2. Thảo luận với con về những gì đã đọc
Hãy thảo luận với con về những gì bé đã đọc được gần đây. Việc này không chỉ đơn giản là thảo luận về nội dung câu chuyện mà hãy nói về sự tương đồng giữa các câu chuyện hoặc sự kiện hay các vấn đề mới xảy ra hoặc đang xảy ra. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận biết trẻ tiếp thu được những gì và con thích thể loại sách hoặc tác giả nào. Hãy khuyến khích trẻ duy trì sở thích của mình.
Lưu ý là trong khi trao đổi cùng trẻ, bạn nên thật thoải mái và khéo léo để con không cảm thấy đang bị tra hỏi hay thúc ép nhé.
Ngoài ra, nếu có thể, bạn nên phối hợp với các phụ huynh có con thích đọc và lập nhóm để trẻ có cơ hội chơi với nhau, trao đổi sách và thảo luận cùng nhau.
3. Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về việc đọc sách khi còn nhỏ
Nếu còn giữ những cuốn sách mà bạn đã từng đọc khi còn nhỏ, hãy tặng chúng lại cho con bạn. Hãy chia sẻ cho trẻ biết những nhân vật hay nội dung trong những cuốn sách ấy đã tác động đến bạn như thế nào.
Hãy khuyến khích con đọc sách được viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều này không chỉ giúp con gắn kết tốt hơn với văn hóa dân tộc mà còn xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ mạnh mẽ. Khi kỹ năng đọc, hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ của con đã thuần thục, bạn có thể cho trẻ đọc sách viết bằng ngôn ngữ khác.
4. Cho trẻ chọn sách theo sở thích
Sau một thời gian chọn sách và đọc cho trẻ nghe, bạn hãy để trẻ tự chọn sách theo sở thích của con. Đừng ép buộc hay ra lệnh, bạn hãy để con tự do lựa chọn sách cho riêng mình nhưng bạn nên có mặt bên cạnh để giúp đỡ nếu con cần hỏi ý kiến hay trợ giúp.
Là cha mẹ, bạn cần hiểu rằng điều rất quan trọng là theo dõi việc đọc của con chứ không phải ép buộc chúng đọc về những sách mà bạn nghĩ rằng con nên đọc.
5. Áp dụng “chính sách”: Đọc sách có thưởng
Một cách rất hữu ích trong việc xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ là áp dụng “chính sách”: đọc sách có thưởng với mọi thành viên trong gia đình.
Hãy khuyến khích các thành viên trong gia đình cùng tham gia trò chơi đọc sách và quy định cụ thể về lượng sách phải đọc, tóm tắt lại nội dung… nếu muốn giành vị trí dẫn đầu. Điều này không chỉ giúp cả gia đình trau dồi thêm kiến thức, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành viên mà còn giúp gắn kết mọi người.
Trong khi thực hiện “chính sách” này, bạn có thể khuyến khích mọi người đọc nhiều thể loại sách khác nhau. Nếu con hoàn thành được việc này, bạn nên trao thưởng cho bé để con ghi nhớ. Lưu ý: phần thưởng hay món quà nên là vật hữu hình để con dễ dàng nhìn thấy mỗi ngày, tránh sử dụng thực phẩm làm phần thưởng.
6. Không chỉ đọc mỗi sách
Bí quyết xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ không nhất thiết chỉ gói gọn trong việc đọc sách. Bạn có thể cho trẻ nghe truyện kể audiobook, các vở kịch/phim được dựng từ các tác phẩm văn học.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên “nhờ” con đọc giúp hóa đơn tiền điện nước, hóa đơn tính tiền sau khi đi siêu thị hay ghi những thứ cần mua cho tuần tới ra giấy… Điều này sẽ giúp trẻ dần hiểu được tầm quan trọng của việc chú ý đến các chi tiết trong danh sách và không nên bỏ lỡ bất kỳ chi tiết nào được đề cập.
Thỉnh thoảng, thay vì đưa con đến nhà sách, bạn hãy cùng bé đến thư viện. Việc nhìn thấy nhiều người ham mê đọc sách tại đây sẽ kích thích trẻ.
Sách hay dành cho thiếu nhi
Dưới đây là những cuốn sách hay dành cho thiếu nhi mà Hello Bacsi muốn giới thiệu với bạn.
Sách hay của tác giả Việt Nam:
- Dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài
- Góc sân và khoảng trời (thơ) – Trần Đăng Khoa
- Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi
- Đảo mộng mơ – Nguyễn Nhật Ánh
- Bầu trời trong quả trứng (thơ) – Xuân Quỳnh
- Chuyện hoa chuyện quả – Phạm Hổ…
Tác giả nước ngoài:
- Không gia đình – Hector Malot
- Những cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia – Yan Larri
- Hoàng tử bé – Antoine de Saint-Exupéry
- Alice ở xứ sở trong gương – Lewis Carroll
- Khu vườn bí mật – Frances Hodgson Burnett
- Charlotte và Wilbur – E.B. White
- Mãi yêu con – Robert Munsch
- Con yêu bố chừng nào – Sam McBratney
- Tận cùng nơi lối đi này – Shel Silverstein
- Pippi tất dài – Astrid Lindgren
- Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh – L.M. Montgomery
- Charlie và nhà máy sô cô la – Roald Dahl…
Như nhiều thói quen khác, việc phát triển thói quen đọc sách cho trẻ cần được cha mẹ xây dựng từ những năm tháng đầu đời của trẻ. Thế nên, ngay từ khi con còn nhỏ, bạn nên đọc sách cho con nghe, cho bé xem những cuốn sách có nhiều hình vẽ đẹp mắt… Khi trẻ đã đi học và biết đọc, bạn nên để con tự đọc và giới thiệu cho con những cuốn sách có nội dung đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, hình ảnh bắt mắt như truyện minh họa, truyện tranh, truyện chữ dành cho thiếu nhi… Sau đó dần giới thiệu cho trẻ những tác phẩm văn học được nhiều trẻ em yêu thích.
Khi thói quen đọc sách đã ăn sâu vào tâm thức trẻ, con sẽ có xu hướng phát triển hơn nữa về thị hiếu, sở thích, thể loại và tác giả. Khi trẻ hiểu được mối liên hệ giữa việc đọc và bối cảnh xã hội, lịch sử, chính trị, con sẽ tự động đánh giá cao việc đọc.