Đàn cá chép nghiện bim bim, bú bình như trẻ nhỏ để ăn thức ăn, nhảy múa như khiêu vũ trên mặt nước mỗi khi có khách đến chơi nhà, hay truyền thuyết về những đàn cá thần là hoàn toàn có thật.
Đàn cá chép “nghiện” bim bim ở chùa Nôm
Chùa Nôm là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chùa Nôm tọa lạc tại làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cách Hà Nội hơn 30km.
Ngày nay, rất nhiều du khách, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên tới thăm chùa Nôm còn có dịp mãn nhãn với đàn cá chép màu hàng trăm con lớn nhỏ được thả nuôi trong ao chùa.
Du khách, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên rất thích lên cầu đá lầu Quan Âm để quan sát đàn cá chép màu. Để “dụ” được đàn cả hàng trăm con nổi lên mặt nước, trẻ em thường mua bim bim, bỏng ngô thả từ trên cầu đá xuống mặt ao.
Đàn cá chép nhiều màu sắc, nhiều nhất vẫn là màu vàng, loang vàng, màu đỏ phớt hồng và màu xanh đen. Con nhỏ nhất có trọng lượng gần 1kg, những con lớn hơn thì có trọng lượng 2-3kg. Giành ăn bim bim, bỏng ngô với đàn cá chép màu còn có nhiều con cá trê lai với trọng lượng vài kg mỗi con…
Cả ngàn con cá bú bình siêu độc đáo ở Bến Tre
Khi đến Khu du lịch cù lao nằm giữa sông Tiền, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre nhiều du khách thích thú với cảnh hàng ngàn con cá chép tranh nhau… bú bình.
Người nuôi ở Bến Tre mất từ một đến ba tháng để huấn luyện hơn 1.000 con cá chép, rô phi ăn bằng bình sữa và rất dạn với du khách đến tham quan.
Đối với ao cá bú bình, các nhân viên đã tập cho cá theo nguyên tắc phản xạ có điều kiện: Cho cá đói và tập cho cá ăn bằng thức ăn chứa trong bình đựng sữa của trẻ em. Lâu dần, khi thấy bình chứa thức ăn đưa xuống là cá tranh nhau ngoi lên để… bú bình.
Đàn cá thần ở Thanh Hóa, dân không dám ăn thịt
Tọa lạc tại ba mảnh đất khác nhau, hằng ngày, ba suối cá thần ở Thanh Hóa thu hút hàng ngàn lượt khách thăm quan. Những câu chuyện bí ẩn về loài cá nơi đây vẫn chưa được lý giải.
Suối cá ở thôn Lương Ngọc là nơi cư ngụ của hàng nghìn con cá lớn nhỏ, nặng 2-8kg, đặc biệt có con nặng tới 30 kg (cá chúa).
Cách Cẩm Lương hơn ba cây số, đàn cá thần thứ hai sống tại hang suối Đóng thuộc xã Cẩm Liên. Ban ngày, đàn cá từ theo dòng nước bơi ra đùa giỡn ở nơi suối Đóng, ban đêm, chúng lại bơi vào tổ trú ngụ.
Câu chuyện về đàn cá thần thứ ba lưu truyền hàng trăm năm ở địa phương, một người dân kể lại, trong thời gian đóng quân ở quanh suối cá, một vài lính Pháp tử vong sau khi bắt loài cá này ăn. “Từ đó, họ không ăn nữa và đã lập bàn thờ cá”, cụ Đinh Trọng Tâm, một người sống gần khu suối cá hơn 80 năm nay cho hay.
Cá ở đây chỉ bơi quanh quẩn tại một đoạn suối dài hơn 100 m và không bơi ra xa hơn. Chiều tối, chúng lại rủ nhau về hang trú ẩn. Ngoài ăn lá cây rơi rụng từ trên cao, đàn cá còn được đội bảo vệ nơi đây cho ăn rau muống 1 hoặc 2 lần/tuần.
Người dân trong vùng tin rằng đây là giống cá thần hiếm có và sự sung túc của đàn cá sẽ đem lại bình yên no ấm cho cuộc sống của người dân địa phương.
Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí mang tính chất tâm linh. Mặc dù chúng chưa được kiểm chứng nhưng việc người dân trong bản luôn xem loài cá này là “thần” và không dám ăn cá là sự thật.
Đàn cá lóc nhảy múa như khiêu vũ trên mặt nước ở Cần Thơ
Khi có khách đến chơi, anh Tín gọi hàng chục nghìn con cá lóc “bay” lên mặt nước nhảy múa đãi mắt khách. Màn biểu diễn kỳ lạ có một không hai này khiến bất cứ ai xem đều không khỏi thích thú.
Anh Lê Trung Tín – Chi hội trưởng Hội Nông dân khu vực 1 (cồn Sơn), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay anh đang nuôi hơn 20.000 con cá lóc, tập trung ở 10 vèo và mỗi vèo là hơn 2.000 con.
Thông tin trên Dân Việt, chủ nhân của đàn cá kỳ lạ nhảy múa như làm xiếc này cho hay, thay vì nó trốn đi, chui xuống nước sâu thì hàng chục nghìn con cá lóc của tôi nuôi lại ào ào bay lên trên mặt nước. Ai thấy cũng nói quá lạ và nhiều lần kêu lên: sao lạ quá, sao làm được như thế. Chưa đã mắt, nhiều người còn nhờ tôi làm cho đàn cá bay lên lần nữa để họ lấy điện thoại ra chụp ảnh, quay clip đem về nhà xem lại.