Nhiều bậc cha mẹ vẫn thường dùng những câu nói cửa miệng để “trêu” con mà không hề nghĩ đến những nỗi buồn, sự tủi thân và thậm chí là những tổn thương đến tâm hồn trẻ.
Các bậc phụ huynh thường bao biện rằng vì trẻ con hư, không nghe lời, không chịu ăn… nên mới nói đùa , mục đích chỉ để dọa trẻ. Đa số mọi người nghĩ đơn giản là trẻ con sẽ nhanh chóng quên đi những lời họ nói, còn hiện tại, bọn trẻ sẽ biết sợ, biết nín khóc, biết chịu ăn, biết ngoan ngoãn… Vậy nên họ vẫn thường xuyên nói đùa với bọn trẻ. Vô hình chung, những câu nói đùa của người lớn cứ ăn sâu dần vào tâm hồn ngây thơ của các bé và tích tụ thành những nỗi ám ảnh trong kí ức tuổi thơ, thậm chí đeo đẳng suốt cuộc đời.
Mẹ sinh em bé, cháu bị ra rìa rồi
Có lẽ 10 đứa trẻ Việt Nam khi mẹ sinh thêm em bé mới thì 9 trẻ đã từng nghe câu nói này. Thay vì động viên, khuyến khích trẻ biết yêu thương, chào đón em bé nồng nhiệt thì với kiểu nói của người lớn sẽ vô tình làm hại bé.
Bởi, trẻ nhỏ thường có suy nghĩ ngây thơ trong sáng, khi nghe mình sắp bị ra rìa, các con đầu tiên sẽ cảm thấy buồn và tệ hại hơn là bị khơi dậy lòng ghen tị, ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm con dành cho các em sau này.
Bố mẹ nhặt con từ thùng rác về đấy hoặc con chỉ là con nuôi thôi
Có thể nói trong những câu đùa cho vui của bố mẹ thì đây chính là câu nói đùa có tính sát thương lớn nhất đến trẻ. Câu nói này vô tình làm sứt mẻ tình cảm yêu thương với các bé, làm cho sợi dây liên kết trong gia đình bị nới lỏng. Bởi bé luôn nghĩ rằng nếu chỉ là con nuôi thôi thì đến một ngày nào đó sẽ bị bỏ rơi.
Ước gì bạn ấy mới là con của mẹ nhỉ?
Các mẹ tuyệt đối đừng nên nói với con những câu nói mang tính chất so sánh như vậy vì chúng có thể khiến bé bị tự ti. Điều này khiến trẻ luôn mặc cảm vì thấy mình không bằng các bạn, luôn thua kém mọi người. Những em bé đã mang tâm lý như thế thường không tự tin thể hiện bản thân mình, do đó cũng dễ dàng để vụt mất những cơ hội tốt trong cuộc sống.
Nín ngay không ông Ba Bị bắt bây giờ?
Nhiều bậc cha mẹ vì muốn con nghe lời nên hay tìm những lời hăm dọa vô căn cứ này để khiến trẻ không dám vòi vĩnh, bắt trẻ phải vâng lời. Có thể khi trẻ lớn, chúng sẽ tự hiểu rằng những lời dọa dẫm kia hoàn toàn là bịa đặt nhưng để trẻ phải sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi vì những thứ vô lý, hoang đường thực sự không hề tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.