Mỗi dịp Tết đến, xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (Thừa Thiên – Huế) lại bắt đầu rộn ràng không khí đón xuân bằng những chông (cảnh) hoa giấy rực rỡ màu sắc.
Những ngày cuối năm vội vã
Trải qua hơn 300 năm phát triển với bao thăng trầm, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) vẫn hiện hữu đến tận hôm nay trong từng góc nhà, nhịp sống xứ Huế. Không chỉ mang ý nghĩa văn hóa tinh thần, đây còn là một trong những làng nghề truyền thống độc đáo nhất của đất – người vùng đất Cố đô.
Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Huế. Nhưng xứ Huế khí hậu vốn khắc nghiệt, lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa dầm thối đất thối cát, hoa tươi thờ cúng thường không giữ được lâu.
Người dân làng Thanh Tiên đã sáng tạo ra hoa giấy, trước thờ cúng gia tiên, thần linh, sau trang trí nhà cửa đón Tết. Dần dà qua năm tháng đã phát triển thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng đất Cố đô, không còn là sản phẩm của riêng làng nhỏ ven sông nữa mà đã lan tỏa thành thứ văn hóa tinh thần của toàn bộ kinh thành, nhân dân Huế, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm âm lịch này, từ đầu đến cuối làng Thanh Tiên đâu đâu cũng xuất hiện màu sắc rực rỡ của những cánh hoa giấy. Theo những nghệ nhân trong làng, dịp gần Tết như thế này thì làng hoa sẽ tất bật và hối hả hơn…
Níu giữ văn hóa truyền thống
Để làm ra một cành hoa giấy đẹp đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm và sự tỉ mỉ bởi có rất nhiều công đoạn khác nhau như chọn giấy, vót tre, phơi tre, nhuộm giấy, cắt cánh, nhụy hoa, tạo nếp nhăn trên hoa… Những sắc màu làm nên hoa giấy Thanh Tiên không hề đơn điệu với 5 màu chủ yếu rất bắt mắt là hồng, tím, xanh, vàng, trắng.
Bà Phan Thị Thanh cho biết, gia đình bà đã theo nghề này rất lâu, chính xác là từ đời ông cố truyền lại đến bây giờ. Bà bộc bạch rằng những ngày cuối năm như thế này dù trời mưa nhiều nhưng vẫn có rất nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm làm hoa tại nhà bà. Làm hoa cầu kỳ, nhiều công đoạn, tốn thời gian nhưng giá bán lại không cao, chỉ khoảng 7.000 đồng/cặp. Còn đối với hoa sen giấy thì có giá là 15.000 đồng đến 18.000 đồng/bông hoa sen.
Ông Nguyễn Hóa có hơn 40 năm làm nghề hoa giấy cho biết, riêng những ngày này ông và gia đình cần làm trên dưới 2.000 cặp hoa thờ cúng để cung cấp ra thị trường dịp Tết. Những lúc cao điểm không có người làm, các gia đình làm hoa ở Thanh Tiên phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán Tết.
Hiện tại, do thu nhập từ nghề làm hoa giấy thấp nên cả làng chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ làm nghề. Có những thời điểm tưởng chừng như mai một, nhưng sau những nỗ lực giữ nghề của dân địa phương và việc tổ chức các lễ hội nhằm tôn vinh các nghề truyền thống ở Huế đã mang đến sự hồi sinh cho làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Các thế hệ trẻ kế cận ở làng Thanh Tiên cũng bắt đầu có ý thức giữ và tiếp nối nghề làm hoa giấy truyền thống của cha ông.
Ngoài các loại hoa giấy như hoa lan, huệ, hồng, cúc… vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, những năm gần đây nghệ nhân Thân Văn Huy đã phục chế nghề hoa sen giấy Thanh Tiên từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên.
Hiện tại, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ nổi tiếng nơi mảnh đất Cố đô, thu hút khách đến tham quan mua sắm tại chỗ mà còn theo chân các du khách đi khắp mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài.