Trong đêm khuya rét “cắt da cắt thịt”, khi mọi người đã say giấc ngủ thì những người lao công vẫn phải miệt mài quét rác trên đường phố, nhặt nhạnh từng đồng trang trải cuộc sống.
Nhọc nhằn mưu sinh
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh khiến nhiệt độ tại Hà Nội giảm xuống, chỉ từ 8 – 10 độ C vào đêm khuya. Với thời tiết lạnh giá như vậy, người dân đều hạn chế ra khỏi nhà, mọi hoạt động vui chơi giải trí đều ngưng trễ. Ven lề đường, những người lao động phải nhóm lửa, mặc nhiều áo khoác, quàng khăn để giữ ấm cơ thể, chống chọi lại với thời tiết cực đoan.
Đêm về khuya, phố vắng không một bóng người, dưới ánh đèn mờ hiu hắt, những người lao công bắt đầu công việc mưu sinh vất vả. Như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân vệ sinh môi trường lại cần mẫn đẩy chiếc xe chứa rác dọc các tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Vì là quận thuộc trung tâm thủ đô, nơi tập trung nhiều hàng quán, dịch vụ du lịch phát triển nên lượng rác tại quận Hoàn Kiếm nhiều hơn những khu vực khác. Nỗi vất vả của công nhân vệ sinh môi trường như nhân đôi khi làm việc trong thời tiết buốt giá.
Chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Tôi bắt đầu công việc vào buổi tối, khoảng 22h, khi đường phố dần thưa bóng người. Công việc kéo dài liên tục nhiều giờ, chúng tôi về nghỉ ngơi vào rạng sáng hôm sau. Việc chính là quét dọn rác thải, phân loại rác và vận chuyển tới nơi tập kết. Môi trường làm việc nhiều áp lực bởi chất bẩn, khí độc hại, vấn đề về an toàn giao thông. Trong những ngày đông, công việc này rất vất vả, nhọc nhằn mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu”.
“Đeo hai đôi găng vải mà vẫn thấy rét cô ạ. Bàn tay làm việc cật lực trong cái giá buốt nên tê dại đi, không còn cảm giác gì. Chúng tôi thường hay mắc các bệnh về da, bệnh thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp, bệnh hen suyễn. Sau khi về nhà, tôi thường ngâm hai bàn tay đỏ rộp vào nước muối loãng để vệ sinh”, anh Văn Nam, công nhân quét đường tại Cầu Giấy tâm sự.
Chắt chiu từng đồng
Công việc của những người lao công vô cùng vất vả. Hơn thế, họ còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. Tuy nhiên, công việc không mang lại mức thu nhập cao. Cuộc sống của họ không dư dả gì, chật vật qua ngày với nỗi lo toan bộn bề.
Chị Thúy tâm sự: “Trong lúc làm việc, tôi rơi vào nhiều tình trạng oái oăm. Một lần, tôi bị du khách nước ngoài trong tình trạng say rượu tông thẳng vào người. May mắn là anh ta đi xe đạp, cả hai chỉ bị xây xước nhẹ. Nếu anh ta đi xe máy thì không biết sẽ xảy ra hậu quả gì. Hay lần khác, khi đang lúi húi quét đường thì tôi giật bắn mình phát hiện một người đàn ông nằm bên vỉa hè. Trấn tĩnh lại, đến gần thì thấy anh ta đang nằm ngủ, người nồng nặc mùi rượu. Lay tỉnh một hồi không được, tôi đành bỏ đi quét đoạn đường khác”.
“Công việc tuy có vất vả, nhọc nhằn nhưng phải cố gắng chắt chiu, dành dụm từng đồng để nuôi các con ăn học. Ở quê, tôi có hai đứa con, một đứa học lớp 12, một đứa học lớp 8. Các con đang tuổi ăn tuổi học nên tốn nhiều tiền lắm! Chồng tôi đau ốm liên miên, chỉ quanh quẩn ở nhà, không phụ giúp vợ về kinh tế. Tuy vất vả nhưng cuối tháng có đồng tiền gửi về, vậy là tôi thấy hạnh phúc rồi!”, chị Thúy giãi bày.
Còn như anh Hữu Thắng, 48 tuổi, Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Một ngày công cũng được khoảng 200.000 . Nếu hôm nào nhiều rác, tôi phải tăng ca thì thu nhập sẽ cao hơn. Số tiền này quá ít ỏi so với sự vất vả bỏ ra. Tiết kiệm hết mức, tôi mới đủ trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt. Ngoài ra, buổi sáng, tôi tranh thủ kiếm vài cuốc xe ôm hoặc làm cửu vạn. Vợ tôi cũng là công nhân vệ sinh môi trường. Cô ấy nhặt thêm chai nhựa để bán đồ phế thải. Hai vợ chồng lao động nhọc nhằn nhưng luôn cố gắng để nuôi dạy các con nên người”.
Trời đã về khuya, những cơn gió bấc rít lên đến gai người. Họ
– người lao công quét đường vẫn “đội” gió rét để làm đẹp con đường cho thủ đô. Bóng dáng họ trải dài hun hút trên những tuyến phố. Dưới ánh đèn khuya, chỉ còn tiếng chổi tre xào xạc xé toạc màn đêm…