Sinh viên thường bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu mang theo hoặc giao nộp các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu… khi đi xin việc.
Để có tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình và tích lũy kinh nghiệm, nhiều sinh viên đã tìm kiếm việc làm ngay từ những ngày đầu nhập học. Do thiếu hiểu biết, sinh viên dễ trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay cho các cơ sở dịch vụ việc làm lừa đảo.
Các cơ sở này thường tịch thu hoặc yêu cầu người xin việc mang theo các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu… khi đi xin việc. Nhiều nơi còn “thu hộ” các loại phí đồng phục, phí xin việc để chiếm đoạt tài sản.
Bị tịch thu giấy tờ tùy thân khi đi xin việc
Tại talkshow “Nhận diện các tình huống lừa đảo khi sinh viên đi tìm việc làm” do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM và đại họcCông nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức, nhiều sinh viên cho biết bản thân và bạn bè từng đi xin việc và gặp các cơ sở dịch vụ việc làm lừa đảo.
“Đối tượng lừa đảo thường yêu cầu người xin việc mang theo chứng minh nhân dân cùng các loại giấy tờ tùy thân khác, sau đó tịch thu cho đến khi người xin việc đưa tiền. Các cơ sở dịch vụ việc làm lừa đảo không có văn phòng hoặc văn phòng là một tầng được thuê lại, và chỉ gồm một trưởng phòng, một nhân viên” – bạn Nhi, sinh viên trường dại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nói.
Bạn Tuấn, sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh, đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng chia sẻ: “Nhiều cơ sở dịch vụ việc làm, khi sinh viên đến xin việc sẽ bị tịch thu giấy tờ tùy thân, thậm chí là điện thoại và tài sản cá nhân ngay ở bãi giữ xe”.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm An toàn Lao động, sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết đây là một trong những hình thức để nhận diện cơ sở dịch vụ việc làm lừa đảo.
Sinh viên cần phải tránh xa các cơ sở “tự xưng” là “Trung tâm Dịch vụ việc làm” và không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp.
Do Trung tâm Dịch vụ việc làm là trung tâm được cơ quan Nhà nước thành lập để giới thiệu việc làm cho người lao động và các đối tượng yếu thế. Các cơ sở dịch vụ việc làm chỉ là các doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm và bắt buộc phải có giấy phép hoạt động.
Bà Thanh Trúc cũng cho biết thêm: “Các cơ sở dịch vụ việc làm uy tín không được phép thu giấy tờ tùy thân của người xin việc. Đồng thời, cũng không được thu phí tư vấn xin việc hay thu hộ các khoản phí trang thiết bị, đồng phục khác”.
“Tiền mất tật mang” vì xin việc
Bị tịch thu giấy tờ tùy thân khi đi xin việc, sinh viên sẽ mất một khoản tiền lớn để chuộc lại giấy tờ, thậm chí vô tình trở thành người tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.
Ông Châu Đức Nhân, Ủy viên Ban Chấp hành Công an quận 1 TP.HCM cho biết: “Việc sử dụng chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe để mở tài khoản ngân hàng rồi giao cho một người không rõ lai lịch, hoặc đem bán, cho mượn, cho thuê vô tình khiến người xin việc trở thành công cụ để tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nếu bị tịch thu giấy tờ tùy thân khi đi xin việc, sinh viên cần phải báo cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Ông Tạ Tấn Tài, Bí thư Đoàn Công an quận 1 TP.HCM cho biết: “Nếu như bị đối tượng giữ lại giấy tờ, phương tiện di chuyển và điện thoại, sinh viên cần bình tĩnh và nói 'em không có tiền', xin phép được về nhà để lấy tiền. Sau khi được ra về, sinh viên hãy đến ngay cơ quan chức năng gần nhất để trình báo. Đây là cách thoát thân duy nhất”.
Tại TP.HCM, sinh viên có thể đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM để được tư vấn giới thiệu việc làm toàn thời gian hoặc bán thời gian.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể tra cứu tìm kiếm danh sách 124 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm ở trang thông tin điện tử của sở Lao động Thương binh và Xã hội, để tránh bị lừa đảo.