Tôi không dám mong chồng đối xử hai bên công bằng nhưng cũng đừng quá bất công như vậy.
Đây là cái Tết đầu tiên tôi làm dâu, chẳng ngờ lại lắm nỗi niềm đến thế. Tôi quê Hải Dương, là kế toán cho một công ty nhỏ. Chồng quê Vĩnh Phúc, quản lý kỹ thuật thông tin cho một tập đoàn. Ai cũng bảo tôi may mắn vì lấy được chồng tài ba, mới ngoài 30 tuổi đã mua nhà Hà Nội.
Gần Tết, tôi suốt ngày nghe mấy chị công ty than vãn chuyện mua sắm, chuẩn bị tiền nong, quà cáp cho hai bên nội ngoại. Người thì kiên quyết tiền biếu nội ngoại phải công bằng, người thì ngậm ngùi vì không có tiếng nói trong gia đình nên nhà ngoại thiệt thòi.
Tôi nghĩ đến chuyện nhà mình thì thầm an tâm vì chồng từ khi yêu đến giờ đều rất tâm lý. Cũng không dám mong chồng đối xử hai bên như nhau vì lương tôi khá thấp, chỉ đủ chi tiêu trong nhà, còn mấy khoản lớn đều do anh chi trả. Nhưng tôi tin rằng, anh không đến mức “trọng nội khinh ngoại”.
Tôi không phàn nàn bất cứ điều gì nhưng chờ mãi không thấy anh nhắc đến chuyện biếu nhà ngoại (ảnh minh họa)
Nhưng tôi đã nhầm. Hôm nhận thưởng Tết về anh bàn với tôi, trích 1 khoản ra bỏ tiết kiệm, phòng khi đau ốm. Biếu ông bà nội 10 triệu (chưa bao gồm bánh kẹo, thịt thà), ngoài ra mua thêm cho ông bà cái máy giặt mới 8 triệu, còn máy giặt cũ ở nhà thì cho anh chị cả. Tôi không phàn nàn bất cứ điều gì nhưng chờ mãi không thấy anh nhắc đến chuyện biếu nhà ngoại. Thậm chí, anh còn chẳng bàn bạc là lễ Tết nhà ngoại những thứ gì dù đây là năm đầu anh làm rể.
Rồi anh bàn sang chuyện lì xì, mừng tuổi ông bà nội bao nhiêu, các cháu bao nhiêu, có dư tiền để biếu chị gái một ít sắm Tết hay không… Bất đắc dĩ tôi phải lên tiếng: “Anh bàn chuyện nhà nội xong chưa? Sao không nhắc gì đến lễ Tết bên ngoại?”.
Chồng tôi tỉnh bơ: “Chuyện đó thì có gì phải bàn. Chị gái anh Tết nào cũng xuống lễ ông bà cặp bánh chưng, một gói kẹo, một chai rượu, 3 quả cau và 5 lá trầu. Nhà mình mùng 3 Tết lên nhà ngoại thì cũng cứ thế mà làm, cùng lắm bỏ thêm phong bì 500.000 nữa là đẹp”.
Hay cho cái câu “cứ thế mà làm”, rồi thì “cùng lắm bỏ thêm phong bì”. Rút cuộc, anh coi nhà ngoại là cái gì? Tôi khóc rưng rức rồi nói hết lời hết lẽ với anh, trách anh sao ngày xưa hiểu chuyện, tâm lý mà giờ lại cư xử kiểu đó.
Anh không vỗ về tôi, ngược lại còn trách mắng tôi không tôn trọng nhà chồng. Anh ta nhắc nhở, không có sự cố gắng của bố mẹ chồng ngày xưa thì tôi không có người chồng đàng hoàng như bây giờ, thậm chí còn chẳng có nhà mà ở… Vậy bố mẹ tôi thì sao? Không có họ thì dễ gì có cô con gái 26 tuổi khỏe mạnh, tử tế cho anh rước về?
Anh ta bảo gieo nhân nào hái quá đó, con cái có được cuộc sống thế nào là do cách bố mẹ đầu tư, nuôi dưỡng, ai làm ra nhiều tiền hơn thì có quyền phụng dưỡng bố mẹ người đó chu toàn, tôi chẳng có lý gì để so sánh hai bên nội ngoại. Càng nói, tôi càng khinh thường tư tưởng của chồng. Rõ ràng, anh không xem tôi và bố mẹ tôi ra gì.
Từ hôm đó đến nay, tôi không nói với chồng nửa lời, anh ta cũng không làm lành trước. Tôi chẳng còn thiết tha gì Tết nhất, càng nghĩ đến những lời chồng nói càng căm hận và tủi thân. Có lẽ, tôi sẽ lấy một phần tiền thưởng Tết của mình gửi về biếu bố mẹ nhưng tôi không muốn, cả đời này mình cứ phải lén lút như thế.
Theo Thanh Thanh (Dân Việt)