Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ nói rằng ông không phải là người Hà Nội, và cũng không phải là người thuộc miền nào, ông người của muôn phương…
Nhà thơ Phan Vũ tại buổi khai mạc triển lãm Em ơi, Hà Nôi phố ở TPHCM. Ảnh: T.V
Tại TPHCM nhà thơ Phan Vũ vừa chính thức giới thiệu đến người yêu tranh 25 tác phẩm do ông vẽ trong triển lãm có tên Em ơi, Hà Nội phố. Buổi khai mạc đã thu hút đông đảo sự quan tâm của giới mỹ thuật, các nhà sưu tập tranh và công chúng yêu tranh về thưởng lãm.
Công chúng TPHCM thưởng lãm tranh của họa sĩ Phan Vũ
Vẽ hàng trăm bức tranh trong nhiều năm nhưng Phan Vũ chọn 25 bức sơn dầu trong đó có 15 bức cùng chủ đề Em ơi, Hà Nội phố lần đầu tiên ra mắt công chúng.
Bước sang tuổi 93 nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ vẫn còn khỏe mạnh
Trong một chia sẻ gần đây với phóng viên báo Một Thế Giới, nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ nói rằng từ nhiều năm nay, ông vẫn dậy từ 3 giờ sáng để vẽ. Đa số tranh của ông đều theo trường phái trừu tượng.
Sau những chia sẻ về hội họa và thi ca, nhà thơ Phan Vũ trở về với tâm trạng trầm lặng
Nhận xét của họa sĩ Nguyễn Quân và Lưu Công Nhân về tranh của Phan Vũ
Những gam màu trong tranh Phan Vũ luôn có sự tương phản giữa sáng và tối, chứa nhiều thông điệp mà không dễ gì ai cũng nhận ra. Ông nói “Nếu ai cũng hiểu tranh của tôi thì tôi còn gì để vẽ nữa. Tôi chú trọng đến màu sắc tương phản của tranh hơn là hình khối”.
Họa sĩ Phan Vũ chưa từng học vẽ ở bất cứ trường lớp nào. Kiến thức hội họa mà ông có được là do trong quá khứ ông là người cùng thời với các danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… ông thường đến xem họ vẽ và học nghề từ ngày ấy. Thời gian sau này khi có dịp xuất ngoại, ông tìm mua những tài liệu về hội họa rồi tự học.
Trước bối cảnh khá “bát nháo” của nhiều trường phái hội họa trong nước, họa sĩ Phan Vũ nói rằng ông mong đợi thế hệ vàng mới của Việt Nam sớm xuất hiện.
Nhận xét của nhà nghiên cứu hội họa Nguyễn Trọng Chức về tranh của Phan Vũ
Là một nhà thơ, sau đó chuyển sang hội họa, tên tuổi của Phan Vũ gắn liền với bài thơ nổi tiếng Em ơi, Hà Nội phố – cũng là tên chủ đề của cuộc triển lãm lần này. Đây cũng là nguyên cớ để rất nhiều người hiểu nhầm nhà thơ Phan Vũ là người Hà Nội.
“Tôi không phải là người Hà Nội, tôi là người miền Trung, chính xác là người Đà Nẵng, khi tôi sáng tác bài thơ “Hà Nội phố” thì bỗng dưng tôi trở thành người Hà Nội, và cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết tôi là người miền nào” – Nhà thơ Phan Vũ nói trong buổi khai mạc triển lãm.
Theo nhà thơ Phan Vũ “Hà Nội phố” của ông có bóng dáng rất nhiều người tình. Một người bạn của ông đã thống kê đến 36 người tình ở Hà Nội. “Nhưng thú thật tôi không yêu ai cả, tất cả họ đều yêu tôi. Nếu tôi yêu một trong số đó có lẽ Hà Nội phố sẽ không ra đời”.
Một tác phẩm của họa sĩ Phan Vũ
Bài thơ Em ơi, Hà Nội phố (còn gọi là Hà Nội phố) của ông có một số phận khá kỳ lạ, được sáng tác năm 1972 nhưng nó chỉ là một bản thảo chưa hoàn chỉnh và được truyền miệng qua nhiều thập kỷ, mãi đến 1985 khi nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc một đoạn trong bài thơ của ông thì công chúng mới biết đến và được chính thức lưu hành thành văn bản.
“Thời gian tôi viết bài thơ này, cũng là lúc máy bay Mỹ đang ném bom B52 khắp Hà Nội. Nhà tôi ở phố Hàng Bún, ngay đối diện với nhà máy điện Yên Phụ. Chung quanh nơi tôi ở, nhà cửa đổ nát, quang cảnh chết chóc tang thương khắp nơi. Từ đầu phố đến cuối phố lúc nào cũng đầy mùi hương thắp cho người đã khuất. Những tứ thơ của tôi nảy ra trong thời điểm đó.
Bài thơ tôi không viết về chiến tranh, mà viết về những hoài niệm sâu đậm trong lòng. Tôi đã đẩy thời điểm trong bài thơ lùi về quá khứ. Dấu vết của chiến tranh chỉ xuất hiện ở khổ thơ thứ 20, với “Một tháng chạp – Trắng khăn sô – Khói hương dài theo phố…” Những sự kiện trong tháng 12 đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong ký ức của tôi. Đó là một khối lượng hoài niệm. Ta còn em, cũng có nghĩa là ta mất em rồi”.
Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Quê gốc ở Đà Nẵng. Học hết bậc tiểu học ở Hải Phòng, lên Hà Nội học tiếp trung học. 20 tuổi theo đoàn quân Nam tiến vào hoạt động ở Khu 8, Khu 9 (miền Đông và miền Tây Nam bộ).
Sau đó được cử vào Ban Chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam Bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Sau đó ông về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương rồi cho Xưởng phim Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, vào Nam công tác tại Đài Truyền hình TP.HCM, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam và hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện ông đang sinh sống tại quận 9 (TPHCM).
Theo Tiểu Vũ/Một thế giới