Một người sinh ra chỉ nghĩ đến sinh nhai và làm lụng để nuôi gia đình thì đó là bình thường, không có gì xấu hổ nhưng vạn người, triệu người đều thế thì hỏng.
Có hơn 10 năm làm việc tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản), dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã có những chiêm nghiệm sâu sắc về giáo dục ở hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
Từ những quan sát kỹ lưỡng ở các trường đại học, cuộc sống và những chuyến đi thực tế liên tục tới các trường phổ thông của Nhật Bản, anh đã chỉ ra một trong những sai lầm lớn của cha mẹ khi dạy con: Hãy trở thành người KHÔN. Khôn ngoan không đồng nghĩa với thông minh, ưu tú.
Trái lại, cách giáo dục này dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Dưới đây là quan điểm của anh về cách dạy con sai lầm này.
Nhiều người muốn con mình trở thành người lương thiện, sống hạnh phúc nhưng lại né tránh các vấn đề xã hội và cho rằng như thế mình là người khôn.
Dạ thưa, “khôn ngoan không lại với giời”! Một cá nhân cho dù là vĩ nhân cũng sẽ phải trưởng thành trong ba môi trường với tác động hữu hình và vô hình là gia đình, nhà trường và xã hội.
Khi xã hội xấu đi thì làm gì có chuyện gia đình và nhà trường tốt lên được.
Đơn giản vì xã hội xấu đi thì con người sống trong đó dễ mất đi nhân tính. Khi đã mất đi nhân tính thì cho dù có làm mẹ, bố, làm giáo viên họ cũng không thể làm tốt. Họ cũng sẽ phải thoái hóa biến chất đi để tồn tại. Nếu họ có trí tuệ hơn bạn đương nhiên họ còn khôn hơn bạn rất nhiều. Họ sẽ “làm thịt” bạn và con bạn khi có dịp.
Bạn có lắm tiền, có công việc ổn định, có vị trí xã hội và bạn cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống pha chút tự hào khi so với người khác ư? Sẽ thật tốt lành, nếu cuộc sống vận hành đều đặn, bình tĩnh như thế.
Nhưng có thể một ngày bạn sẽ mất tất cả khi bạn hoặc thành viên gia đình bạn gặp phải va vấp, nặng hơn là tệ nạn xã hội hay thoái hóa nhân tính. Bạn có chắc rằng, chồng, vợ, con bạn sẽ không sa ngã, biến chất khi xã hội thay đổi theo chiều hướng tiêu cực không?
Cho dù bạn sống trong biệt thự có rào chắn, tường cao, có bảo vệ con bạn vẫn phải ăn, vẫn phải hít khí trời, vẫn phải đi ra ngoài chơi, học.
Khi ấy, bạn có thể cho người bảo vệ con bạn, lọc không khí cho con bạn thở?
Đấy là cái đích của sự khôn ngoan?
Ông Fukuzawa ở bên Nhật thế kỉ XIX đã nói rằng một người sinh ra chỉ nghĩ đến sinh nhai và làm lụng để nuôi gia đình thì đó là bình thường, không có gì xấu hổ nhưng vạn người, triệu người đều thế thì hỏng.
Sự việc xảy ra ở nơi khác cũng có thể xảy ra với chính gia đình mình. Nếu hiểu như thế thì không sao – bạn hãy sống với lý tưởng đáng chán, đáng khinh của bạn – nhưng đừng thờ ơ kiểu ngây thơ để rồi sau lại kêu “tại sao lại như thế?”.
Một cái ao nếu trở nên đen ngòm thì mọi thứ thả vào sẽ biến dạng hết.
Đừng nghĩ rằng ao đen thì kệ ao đen, ta sống đời của ta với cơm ăn, áo mặc, nhà ở là ổn.
Những thứ các bạn khôn đang than vãn thầm trong đầu hoặc ở bàn trà, quán nước hay trong nhà mình chính là thành quả khôn ngoan của bao nhiêu người khôn của các thế hệ trước sau cộng lại.
Nhiều người mong chờ vào một cuộc đào thoát tới một bầu khí quyển khác? Xin thưa hơn chục năm ở Nhật đủ cho tôi thấy ngay cả có tiền cũng không có thiên đường nào dành cho người nhập cư với cái đầu khôn như trên cả. Không có thiên đường nào người ta xây sẵn rồi cho anh đến đó mà hưởng. Hơn nữa không có quá 2% dân số có khả năng tìm kiếm đất hứa. Và trong số 2% đó, gần như 100% không có khả năng xóa sạch kí ức, cội rễ của mình.
Vậy phải làm gì, chẳng có cách nào khác là thực sự cầu thị, chân thành đối mặt với hiện thực ngày một khắc nghiệt của nơi mình sống mà cải tạo nó bằng mọi cách mình có thể, làm cho nó tốt lên với tinh thần cùng nhau kiến tạo hạnh phúc.
Đơn giản thế thôi!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Nguyễn Quốc Vương/Trí Thức Trẻ