Đại diện của Trung Quốc tại Miss Earth 2020 (Hoa hậu Trái đất) là Jie Ding đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi của dư luận khi diện một bộ trang phục màu trắng, có nhiều chi tiết tương đồng áo dài truyền thống của Việt Nam trong phần thi tài năng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số cuộc thi Hoa hậu năm 2020 đều thông báo dời sang năm sau. Chỉ duy nhất Miss Earth (Hoa hậu Trái Đất) vẫn diễn ra nhưng bằng hình thức trực tuyến.
Mới đây, trong phần thi tài năng phát trực tuyến vào tối 14/10, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến màn trình diễn của thí sinh người Trung Quốc Jie Ding (25 tuổi) với một mẫu trang phục có nhiều điểm tương đồng với áo dài truyền thống của Việt Nam. Ở phần thi này, Jie Ding không chú thích về trang phục mà chỉ chia sẻ với giám khảo đây là điệu nhảy gắn với văn hóa nghìn năm của đất nước mình.
Sau khi video thi tài năng của Miss Earth 2020 được đăng tải, khán giả trong và ngoài nước đã có những thắc mắc về bộ trang phục của đại diện đến từ Trung Quốc này.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên trang phục Áo dài của Việt Nam bị hiểu lầm về nguồn gốc. Còn nhớ, tháng 11/2019, công chúng cũng đồng loạt bày tỏ ý kiến trước bài đăng của tờ China Daily về bộ sưu tập của nhãn hiệu Ne Tiger tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân – Hè 2019 diễn ra hồi tháng 10/2018.
Cụ thể, tờ nhật báo này đề cập đến loạt thiết kế trên với tiêu đề: “Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân – Hè). Cụm từ “Chinese style” khiến không ít người Việt phản ứng vì trang báo trên mặc định những trang phục này là phong cách của Trung Quốc. Bởi cho rằng những thiết kế này sao chép thiết kế tà áo dài Việt Nam từ phom dáng cho tới sử dụng phụ kiện là chiếc nón lá.
Với tư cách là một trong số các thương hiệu tham gia sự kiện này, Ne.Tiger chia sẻ rằng họ đã tập hợp trang phục truyền thống của các nước Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Lào, Myanmar, Campuchia và cả Việt Nam lại, rồi kết hợp với mẫu sườn xám của Trung Quốc lại để tạo thành một BST chung.
Qua chia sẻ của Ne.Tiger, chúng ta có thể hiểu đây là một BST gồm các thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của nhiều nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á, rồi được cách tân, kết hợp trên nền tinh thần là mẫu sườn xám thời Minh.